Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công thương Liên bang Nga Denis Manturov.
“Hiện tại chúng ta không bàn về khoản vay tín dụng”, ông Manturov nói với các phóng viên khi trả lời câu hỏi liệu lúc này có quyết định cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản vay để mua S-400 hay không.
Hồi đầu tháng 6/2017, Tổng giám đốc Rostec, ông Sergei Chemezov cho biết, các bên đã thống nhất tất cả vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc ký hợp đồng.
Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Kozhin cũng lưu ý rằng, trong vấn đề này, Nga thấy không có trở ngại đối với việc bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của nước này.
Việc cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ được Moscow và Ankara thảo luận lần đầu tiên tại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 3/2017.
Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn Nga hỗ trợ các khoản vay tài chính để mua vũ khí, bao gồm S-400.
Tổ hợp tên lửa S-400 do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300.
Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó.
Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Tổ hợp tên lửa này được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển.
S-400 có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.