Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố ông Chau Phirun, Cục trưởng Cục vật liệu và dịch vụ kỹ thuật, “đã thu lợi từ các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và nâng cấp cơ sở căn cứ hải quân Ream”.
Ông Chau, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia Tea Vinh và các quan chức chính phủ khác “có thể đã thổi giá xây dựng cơ sở và hưởng lợi cá nhân từ quá trình đó”, Bộ Tài chính Mỹ nói.
Các biện pháp trừng phạt sẽ cấm ông Chau, ông Tea và các thành viên gia đình họ vào Mỹ theo điều khoản của luật về các quan chức nước ngoài liên quan đến tham nhũng.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào của hai quan chức này và gia đình họ theo Đạo luật trách nhiệm nhân quyền Magnitsky toàn cầu. Mỹ cũng dùng đạo luật này để trừng phạt các quan chức và tổ chức Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng ở Tân Cương.
Bước đi này của Mỹ càng làm gia tăng căng thẳng với Campuchia. Trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã nêu “quan ngại nghiêm trọng” về việc Trung Quốc hiện diện quân sự và tham gia xây dựng các công trình ở quân cảng Ream, Bộ Tài chính Mỹ thông báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói rằng Trung Quốc đang giúp xây dựng hạ tầng ở căn cứ này mà “không kèm theo điều kiện nào”. Sau đó, một tuỳ viên quân sự Mỹ bị từ chối cho tiếp cận tất cả các công trình ở Ream trong chuyến thăm căn cứ, khiến Washington càng bực bội.
Quan ngại của Mỹ về căn cứ Ream tăng lên sau khi Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington công bố ảnh vệ tinh cho thấy sự xuất hiện của những công trình mới, bao gồm 3 toà nhà và 1 con đường.
Báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc CSIS nói rằng những khu vực khác của căn cứ đã được giải toả, có thể để xây dựng thêm công trình khác. Báo cáo nói rằng không rõ mục đích xây dựng đó là gì và “có quan ngại rằng cơ sở đang được nâng cấp để hỗ trợ sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia”.