Năm 2016, khi bắt đầu có tin Mỹ sẽ triển khai THAAD ở Hàn Quốc lẫn hiện nay, khi việc triển khai đã trở thành hiện thực, cả Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo và Giải phóng quân báo của Trung Quốc đều đăng nhiều bài xã luận hoặc bình luận.
Nội dung thể hiện quan điểm chính thức của năm 2016 là “bày tỏ bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối”, “sẽ xem xét áp dụng biện pháp cần thiết”; nay đã đổi thành: “sẽ kiên quyết sử dụng những biện pháp cần thiết, phía Mỹ và Hàn Quốc phải hứng chịu mọi hậu quả xảy ra” và thêm “chớ đánh giá thấp ý chí và thực lực của Trung Quốc”, cá biệt bình luận còn gọi việc chống bố trí THAAD là “lợi ích quốc gia cốt lõi”.
Về biện pháp đối phó, năm 2016 Trung Quốc chỉ tuyên truyền sự phát triển của kỹ thuật và khả năng chống tên lửa của họ nhằm thể hiện Trung Quốc có đủ quyết tâm và năng lực khôi phục sự cân bằng lực lượng trong lĩnh vực đối kháng tên lửa ở Đông Bắc Á với mục đích nhằm “buộc Hàn Quốc đình chỉ việc bố trí THAAD”, nhưng không thành công.
Đầu năm 2017, Trung Quốc đã tìm mọi cách lôi kéo người Nga cùng “bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối” và “hai bên thỏa thuận sẽ áp dụng biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích của hai bên Trung-Nga và sự cân bằng chiến lược trong khu vực” trong vấn đề THAAD.
Trong lĩnh vực này, người ta thấy cách có hiệu quả nhất là Trung-Nga chung tay phát triển lực lượng hạt nhân hoặc phối hợp bố trí thì mới có thể tạo thành áp lực đủ mạnh với Mỹ, nhưng như thế chẳng khác nào hai bên tạo thành liên minh quân sự theo chiều sâu. Đó là điều khó có thể thực hiện được trong quan hệ Trung-Nga hiện nay.
Hiện nay, phản ứng kiểu tự phát tẩy chay, phản đối Hàn Quốc của dân chúng có vẻ chưa đủ mạnh, Mỹ và Hàn Quốc đã nhanh chóng bắt đầu triển khai bố trí THAAD; chính phủ Trung Quốc chưa dám bỏ mặc để những hành động xuống đường diễn ra vì khó có thể kiểm soát. Thực sự Trung Quốc đang lâm vào tình thế khó xử. Vậy “những biện pháp cần thiết” mà chính phủ Trung Quốc “kiên quyết sử dụng” là gì? “mọi hậu quả sinh ra” mà Mỹ, Hàn phải gánh chịu là những gì?
Dư luận cho rằng: giáng đòn quân sự thì không dám, cắt quan hệ ngoại giao, đình chỉ quan hệ thương mại, cấm vận và trừng phạt kinh tế đều không hiện thực; tiếp tục trừng phạt các doanh nghiệp như Lotte hay cấm các nghệ sĩ, tẩy chay “Hanliu” cũng chỉ có tác dụng xả bực tức, song chỉ càng làm xấu đi hình ảnh bản thân Trung Quốc và mối quan hệ với Hàn Quốc.
Khả năng lớn nhất là tăng cường bố trí và đẩy mạnh tuyên truyền về những vũ khí chiến thuật có khả năng phá hoại THAAD như báo chí đang làm và tổ chức một số cuộc diễn tập quân sự; nhưng nếu Trung Quốc bắn thử tên lửa, thậm chí bắn thử vào vùng biển gần Hàn Quốc sẽ càng cổ vũ Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, có lẽ càng không thích hợp.
Vì sao Trung Quốc kiên quyết và mạnh mẽ phản đối bố trí THAAD?
Đó là bởi vì THAAD tuy chỉ là một hệ thống nhỏ tên lửa phòng thủ tầm cao chống lại đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến lược của nước ngoài, nhưng nó lại giáng đòn chí mạng đối với cả Trung Quốc lẫn Nga, có thể vô hiệu hóa hoàn toàn những tên lửa đạn đạo vượt đại châu của hai nước này nhằm vào lục địa Mỹ!
Điểm quan trọng nhất là khả năng nhận biết mục tiêu của nó rất rộng. Hệ thống THAAD sử dụng radar AN/TPY-2, được coi là hệ thống radar di động trên mặt đất lớn nhất, tính năng mạnh nhất thế giới hiện nay.
Quân đội Mỹ khoe radar này có thể nhận biết các mục tiêu tàng hình có diện tích phản xạ nhỏ từ khoảng cách 870km, chuỗi sóng hẹp mà radar này sử dụng có thể xác định chính xác kích cỡ đầu đạn mục tiêu và phân biệt được đầu đạn thật, giả ở khoảng cách khoảng 580km.
Trong điều kiện địa chiến lược đặc biệt ở Đông Bắc Á hiện nay, sau khi hệ thống THAAD được bố trí ở tiền duyên, phạm vi giám sát của nó có thể bao trùm đến trung tâm Đông Bắc Á, trong thời bình có thể thu thập các thông tin tình báo của các quốc gia trong khu vực, tích lũy dữ liệu về đặc tính mục tiêu; thời chiến có thể được sử dụng làm công cụ sớm phát hiện và theo dõi, nâng cao hiệu quả đánh chặn. Đó chính là đặc tính khiến THAAD không chỉ giới hạn là lá chắn phòng vệ bị động đơn thuần, mà có đầy đủ khả năng cả tấn công lẫn phòng ngự.
Nếu phân tích về mặt địa lý, bán đảo Triều Tiên chiều rộng 360km, dài 1000km, nếu phía Triều Tiên có tấn công Hàn Quốc thì cũng chỉ cần dùng đến loại tên lửa tầm ngắn tầm bắn dưới 1000km là đủ.
Vì vậy, phía Trung Quốc cho rằng: Mỹ đã lợi dụng tâm lý khiếp sợ tên lửa Triều Tiên của người dân Hàn Quốc để triển khai hệ thống THAAD nhằm đạt mục đích chính loại bỏ năng lực đe dọa chiến lược của Trung Quốc; điều này cũng phù hợp với mục đích chiến lược quay trở lại Châu Á – Thái Bình Dương của họ.
Mặt khác, do hạn chế về tầm bắn, loại tên lửa đạn đạo vượt đại châu hiện đại nhất “Đông Phong-31” của Trung Quốc nếu muốn bắn tới lục địa Mỹ đều phải bố trí ở vùng Đông Bắc và Hoa Bắc, nằm cách Hàn Quốc không xa. Loại radar AN/TPY-2 của hệ thống THAAD có thể giám sát được các tên lửa Trung Quốc ngay từ giai đoạn rời bệ phóng để cung cấp các dữ liệu tình báo giúp cho việc báo động và đánh chặn giai đoạn sau.
Đó mới là lý do chính Trung Quốc cay cú, muốn ép Mỹ và Hàn Quốc từ bỏ ý định bố trí THAAD bằng được.