"Bắt QUẢ TANG – rất thất vọng là Trung Quốc đang cho phép chở dầu đi đến Triều Tiên”, Tổng thống Mỹ viết trên trang Twitter cá nhân. Đoạn Twitter được đăng lại trên tài khoản chính thức của Nhà Trắng này được đánh giá là sự trở lại chính sách đối ngoại quyết liệt hơn sau những thông điệp tập trung vào vấn đề nội bộ.
Trả lời phỏng vấn báo The New York Times sau đó, Tổng thống Trump nói ông đã “mềm mỏng” với Trung Quốc về thương mại với hy vọng rằng lãnh đạo nước này sẽ làm nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên. Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc “giúp chúng ta nhiều hơn” và đánh tín hiệu rằng ông sẽ có hành động trừng phạt thương mại nếu Trung Quốc không làm như vậy. “Nếu họ không giúp chúng tôi về vấn đề Triều Tiên, tôi sẽ làm điều tôi luôn nói tôi muốn làm”, ông Trump nói.
Cáo buộc của ông Trump về việc Trung Quốc làm ngơ cho hoạt động bán dầu cho Triều Tiên rõ ràng dựa trên hình ảnh vệ tinh do thám. Chỉ vài giờ trước đó, Bắc Kinh bác bỏ các báo cáo nói rằng nhiều tàu của Trung Quốc chở dầu bán cho Triều Tiên bằng cách chuyển nhiên liệu cho tàu của Triều Tiên trên biển Hoàng Hải. Nếu những thông tin này được xác nhận, số liệu của hải quan Trung Quốc đưa ra vào tháng 11 rằng nước này không xuất khẩu dầu sang Triều Tiên sẽ bị nghi ngờ.
Trong khi đó, các quan chức Hàn Quốc hôm qua nói rằng con tàu mang cờ Hong Kong có tên Lighthouse Winmore bị kiểm tra tại cảng Yeosu của Hàn Quốc ngày 24/11 sau khi chuyển 600 tấn dầu tinh chế cho một tàu của Triều Tiên ngày 19/10. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ không nắm được vụ việc ở Hàn Quốc và bác bỏ cáo buộc bất kỳ tàu nào của Trung Quốc dính dáng đến việc chuyển dầu trên biển vào tháng 10 như cáo buộc. Trung Quốc cũng khẳng định họ đã triển khai đầy đủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) và không cho phép cá nhân hay tổ chức nào vi phạm cấm vận.
Quan chức Hàn Quốc nói rằng, con tàu mang cờ Hong Kong do công ty Billions Bunker Group thuê và cập cảng Yeosu ngày 11/10 để mua dầu tinh chế Nhật Bản trước khi lên đường đến địa điểm ở Đài Loan. Nhưng thay vì đến Đài Loan, con tàu này chuyển dầu cho tàu Sam Jong 2 và ba tàu không phải của Triều Tiên trên vùng biển quốc tế. Việc chuyển từ tàu này sang tàu khác bất kỳ mặt hàng nào cho Triều Tiên đều bị coi là vi phạm một nghị quyết của LHQ được thông qua vào tháng 9 năm nay nhằm vào Bình Nhưỡng.
Quan chức Hàn Quốc cho biết họ sẽ báo cáo sự việc lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì cho đây là trường hợp điển hình của tình trạng các mạng lưới ngầm đang vi phạm nghị quyết. Quan chức Hàn Quốc cho biết họ đã chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ để phát hiện các giao dịch trái phép.
Tăng khả năng Mỹ - Trung cọ xát
Việc ông Trump tố cáo Trung Quốc vi phạm trừng phạt của LHQ xuất hiện chỉ 1 tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc lần thứ 3 trong năm thống nhất về một nghị quyết của LHQ nhằm thắt chặt trừng phạt Triều Tiên.
Ngày 22/12, Hội đồng Bảo an LHQ thống nhất các biện pháp trừng phạt mới nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 hôm 29/11. Nghị quyết số 2397 nhằm hạn chế hơn việc Triều Tiên tiếp cận các nguồn nhiên liệu và ngoại tệ với mục đích ép Bình Nhưỡng phải đàm phán để dừng chương trình vũ khí hạt nhân.
Nghị quyết 2397 cấm khoảng 90% lượng xăng tinh chế bán cho Triều Tiên, giới hạn ở mức 500.000 thùng/năm, giảm từ mức 2 triệu thùng/năm như trong nghị quyết thông qua hồi tháng 9. Nghị quyết mới nhất cũng giới hạn lượng cung cấp dầu thô cho Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng/năm.
Cáo buộc nói trên của ông Trump được đánh giá là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc sau một năm quan hệ giữa hai cường quốc chưa xảy ra biến cố nào lớn.
Trong năm đầu tiên ông Trump cầm quyền, Trung Quốc dùng mồi kinh tế để thỏa mãn cũng như tránh khiêu khích Tổng thống Mỹ. Hai bên chưa đụng đến những vấn đề căn bản nhất trong quan hệ song phương. Mỹ chưa ra đòn nặng nào với Trung Quốc. Tuy nhiên, với những dấu hiệu gần đây, giới quan sát đánh giá khả năng Mỹ - Trung cọ xát trong thời gian giới đang tăng lên.
Mới ít ngày trước, Tổng thống Mỹ công bố bản chiến lược an ninh quốc gia trong đó gọi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, một cường quốc xét lại.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc bị dán nhãn đối thủ chiến lược của Mỹ khi chính sách Trung Quốc của Washington luôn dao động giữa ngăn chặn và hợp tác suốt mấy chục năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1979. Nhưng ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên chính thức nêu tên Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, một văn bản chính sách mà Quốc hội Mỹ yêu cầu các chính phủ Mỹ phải đưa ra kể từ giữa những năm 1980.
Những người phản đối cho rằng chiến lược của chính quyền Trump mới nói rõ chứ chưa nêu ra giải pháp, nhưng những người khác khẳng định, việc ông Trump gọi Trung Quốc là một mối đe dọa toàn cầu cần phải được đánh giá nghiêm túc, cho dù nhà lãnh đạo Mỹ hiện nay có tính cách khó đoán và không nhất quán trong các vấn đề chính sách đối ngoại.
Kết quả thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew (tại Washington) thực hiện cho thấy ấn tượng chung của người Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng xấu đi do những tranh chấp trên biển Đông và các vấn đề tranh cãi liên tục trong thương mại, an ninh và nhân quyền. Gần một nửa người dân Mỹ giờ đây coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối đe dọa chính đối với Mỹ.