Lệnh cấm trên được áp đối với 4 tàu: Ul Ji Bong 6, Rung Ra 2, Sam Jong 2 và Rye Song Gang 1, nâng tổng số tàu Triều Tiên bị LHQ phong tỏa lên con số 8 chiếc.
Theo một nhà ngoại giao giấu tên, Mỹ đã đề nghị LHQ đưa ra lệnh cấm nói trên đồng thời đề xuất danh sách các tàu được đăng ký ở Triều Tiên, Belize, Trung Quốc, Hong Kong, Palau, Panama.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ đồng ý áp lệnh cấm đối với 4 tàu mang cờ Triều Tiên, như một phần của nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Lệnh cấm này vẫn còn được “để ngỏ” để bao gồm các tàu khác trong tương lai.
Ngay trước khi HĐBA LHQ ra quyết định trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc không cắt giảm nguồn cung dầu lửa cho Triều Tiên. Ông bình luận trên Twitter: “Đã bị bắt quả tang! Rất thất vọng trước việc Trung Quốc đang cho phép dầu được chuyển tới Triều Tiên. Sẽ không bao giờ có một giải pháp thân thiện cho vấn đề Triều Tiên nếu việc này tiếp diễn”.
Tờ Chonsun Ilbo của Hàn Quốc hồi đầu tuần dẫn các nguồn tin chính phủ nước này cho hay, vệ tinh Mỹ đã phát hiện các tàu Trung Quốc bán dầu cho các tàu Triều Tiên hàng chục lần kể từ tháng 10 tới nay.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Washington vẫn tin rằng chỉ có áp lực từ Chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có thể thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thay đổi lập trường và tham gia đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột hạt nhân hiện nay.
Trong năm 2017, HĐBA đã áp dặt 3 đợt trừng phạt Triều Tiên: Lệnh đầu tiên vào ngày 5/8 nhằm vào quặng sắt, than đá và ngư nghiệp; lệnh thứ 2 là vào ngày 11/9 nhằm vào các sản phẩm dệt may, hạn chế nguồn cung dầu lửa và lệnh trừng phạt gần đây nhất là vào ngày 22/12 tập trung vào các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.