Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam về an ninh biển

Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson neo đậu tại vịnh Đà Nẵng hồi tháng 3​. Ảnh: Nguyễn Thành.
Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson neo đậu tại vịnh Đà Nẵng hồi tháng 3​. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam và Mỹ chia sẻ lợi ích chung, trong đó có hợp tác an ninh biển ở biển Đông.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết như vậy trong cuộc họp báo chiều 26/3 ở Hà Nội. Đại sứ Kritenbrink khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ không chỉ trong khu vực mà trên thế giới.

Đại sứ Mỹ nói rằng, 5 ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ công tác của ông tại Việt Nam gồm: an ninh, kinh tế, thương mại, nhân đạo và các vấn đề di sản chiến tranh, giao lưu nhân dân và nhân quyền. Về vấn đề an ninh, hai nước đang hợp tác chặt chẽ trước các thách thức như vấn đề biển tại biển Đông, cùng nhau thực thi nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên. Mỹ tiếp tục giúp tăng cường năng lực cho các đối tác Việt Nam, gồm lực lượng cảnh sát biển và lực lượng gìn giữ hòa bình. Tư lệnh Cảnh sát biển Mỹ phụ trách Thái Bình Dương sắp thăm Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink thông báo.

Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam về an ninh biển ảnh 1 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Ảnh: Bình Giang.

Đại sứ Kritenbrink khẳng định, hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực an ninh, quân sự đang trên đà tiến triển tốt, có thể là một trong những khía cạnh tích cực nhất trong quan hệ 2 nước. Tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 11/2017, tuyên bố trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Viêt Nam đầu năm nay cùng những thông tin được đưa ra trong chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson tới Đà Nẵng hồi tháng 3 giúp hình dung về quan hệ hai nước trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng thời gian tới, ông nói.

Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực hai nước chia sẻ lợi ích chung, trong đó có vấn đề hợp tác an ninh biển ở biển Đông. Mỹ đặc biệt nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này, với nguyên tắc tiến hành các hoạt động thương mại không bị cản trở, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, Đại sứ Kritenbrink nói.

Trước câu hỏi sự thay đổi nhân sự trong Nhà Trắng gần đây có ảnh hưởng gì đến chính sách của Mỹ ở khu vực, ông Kritenbrink nói rằng, các chính sách của Mỹ đối với khu vực, với Việt Nam đã được khẳng định rõ trong chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Việt Nam năm ngoái cũng như trong các trao đổi cấp cao giữa hai nước vừa qua. Đại sứ Mỹ nói rằng, nhiệm vụ của ông thời gian tới là thực hiện các chính sách đó. “Không ai nên nghi ngờ cam kết của Mỹ”, ông nói.

Tin cậy mức độ cao

Đại sứ Kritenbrink khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Không chỉ Mỹ mà các nước đều có quyền thực hiện các hoạt động như vậy, ông nói. “Chúng tôi có ý định, tiếp tục hy vọng tiến hành thường xuyên các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ đến Việt Nam để nhấn mạnh quan hệ hai nước cũng như mối liên kết giữa nhân dân hai nước”, Đại sứ nói.

Ông Kritenbrink nói rằng, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam năm 2016 mang ý nghĩa biểu tượng về sự tăng cường quan hệ hai nước, mở ra cánh cửa cho sự hợp tác giữa hai quốc gia thời gian tới trong lĩnh vực mua sắm vũ khí. Tuy nhiên, bất kỳ việc bán vũ khí nào cũng có các yếu tố phức tạp mà hai bên phải cân nhắc trước khi tiến hành, ông nói. “Tôi cho rằng việc hai bên xem xét những điều này cũng đã cho thấy những tiến bộ to lớn trong mối quan hệ đối tác giữa hai nước”, Đại sứ Kritenbrink nói.

Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, Mỹ đã có nhiều đối thoại tích cực và mạnh mẽ với Việt Nam về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề an ninh. “Tôi tin hai nước đã xây dựng được mức độ tin cậy cao. Không có vấn đề gì nằm ngoài phạm vi thảo luận giữa Mỹ và Việt Nam”, ông nói.

Vấn đề cá da trơn

Trả lời câu hỏi về thiệt hại với Việt Nam sau khi Mỹ vừa áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng cá da trơn từ Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink nói rằng, quan hệ thương mại Việt - Mỹ có nhiều khía cạnh tích cực. Thương mại song phương tăng từ 62 triệu USD năm 1993 (một năm trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam) lên hơn 52 tỷ USD năm 2017. Về vấn đề thuế cá da trơn, Đại sứ Mỹ nói rằng, Việt Nam vẫn có thể tiếp cận đầy đủ thị trường Mỹ, trong đó có hoạt động xuất khẩu sản phẩm cá da trơn. Điều này được thể hiện trong báo cáo của ngành sản xuất cá da trơn Việt Nam đưa ra vào đầu tháng 1. Đó là giá trị các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Mỹ năm 2017 đạt 26 triệu USD, tăng 31% so với năm trước, ông nói.

Liên quan quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn Việt Nam mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra ngày 17/3, Đại sứ Kritenbrink nói rằng, đó là hoạt động xem xét lại thường xuyên và định kỳ mà DOC tiến hành đối với các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có cá basa fillet của Việt Nam. Mỹ cam kết làm việc với Việt Nam về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề cá da trơn. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với các sản phẩm cá của Việt Nam, ông nói.

MỚI - NÓNG