Ảnh minh hoạ: Reuters |
Ngày 5/1, tổng cộng 18 người - chủ yếu là vợ con của các nhà ngoại giao ở Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev (Ukraine) - đã lên xe buýt để di chuyển về nhà ở Mátxcơva, một quan chức an ninh cấp cao của Ukraine tiết lộ, theo tờ NY Times.
Vài ngày sau đó, thêm khoảng 30 người lên đường hồi hương từ Kiev và từ Lãnh sự quán Nga ở Lviv, miền Tây Ukraine. Các nhà ngoại giao tại 2 lãnh sự quán khác của Nga cũng được thông báo chuẩn bị rời Ukraine.
Một quan chức Mỹ cho biết nước này đã nhận được thông tin trước đó về việc Chính phủ Nga sẽ chuẩn bị di tản thân nhân của các nhà ngoại giao khỏi Đại sứ quán Nga ở Ukraine vào cuối tháng 12, đầu tháng 1.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đại sứ quán của nước này tại Kiev “vẫn đang hoạt động bình thường”, nhưng không phủ nhận tin đồn cắt giảm biên chế.
Theo tờ NY Times, cuộc di tản của Nga - mà Điện Kremlin biết rằng Mỹ và Ukraine sẽ để ý - khiến nhiều người đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Các quan chức Mỹ và Ukraine cho rằng việc thu nhỏ quy mô Đại sứ quán Nga có thể là một biện pháp tuyên truyền, là một phần của kế hoạch chuẩn bị cho xung đột, là hành động đánh lạc hướng của Mátxcơva, hoặc cũng có thể là cả 3.
Cùng lúc đó, những chuyến xe lửa chất đầy xe tăng, tên lửa và binh sĩ vẫn tiếp tục tiến về phía Tây nước Nga, dường như hướng tới biên giới với Ukraine.
Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko hôm qua, 17/1, cho biết binh sĩ và khí tài Nga đã bắt đầu lên đường đến Belarus để tham gia một cuộc tập trận chung.
Cuộc tập trận diễn ra ở 2 nơi, là rìa phía Tây của Belarus (gần Ba Lan, Lithuania, 2 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO), và dọc theo biên giới Ukraine.
Kiev tin rằng lực lượng Nga được triển khai đến Belarus có thể sẽ tiếp tục đóng quân ở nước này vô thời hạn. Khi đó, Ukraine có thể bị tấn công từ cả phía Bắc, phía Đông lẫn phía Nam. “Chúng tôi sẽ bị bao vây hoàn toàn”, quan chức an ninh cấp cao của Ukraine cho biết.
Tại Washington, các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa đưa ra quyết định xâm lược vì đang cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như việc Mátxcơva sẽ vượt qua các lệnh trừng phạt như thế nào, và việc các yêu cầu an ninh của Điện Kremlin có được NATO lắng nghe hay không.
Các quan chức tình báo và quân sự Mỹ và châu Âu cho rằng ông Putin cũng có thể đang đợi mặt đất đóng băng để đưa thiết bị hạng nặng qua biên giới dễ dàng hơn.
Nhưng với việc Mỹ và các đồng minh đang gia tăng trang bị vũ khí cho Ukraine, thì lợi thế quân sự của ông Putin có nguy cơ sẽ sớm tuột khỏi tầm tay.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, đã thông báo trong một bài phát biểu trước Quốc hội hôm thứ Hai rằng nước này sẽ bắt đầu cung cấp cho Ukraine một số loại vũ khí. Vì vậy, ông Putin có thể sẽ quyết định sớm hành động.
Theo một quan chức an ninh Ukraine, cuộc tấn công của Nga có khả năng sẽ xảy ra dưới hình thức một cuộc xâm lược toàn diện. Hoặc Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công mạng vào hệ thống năng lượng Ukraine, kết hợp với leo thang quân sự ở phía Đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai vẫn đang cố thủ.
Không ai khác ngoài các nhà lãnh đạo ở Điện Kremlin biết chắc chắn về những gì sẽ xảy ra trong vài ngày, vài tuần tới.
Cùng lúc đó, một phái đoàn cấp cao gồm các thượng nghị sĩ Mỹ đã đến Kiev hôm 17/1 để thể hiện sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Ukraine.
"Các hành động của Nga ở miền đông Ukraine và Crimea, cũng như các hành động mà họ đang lên kế hoạch thực hiện, là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào vào trật tự thế giới sau Thế chiến II”, Thượng nghị sĩ Christopher Murph (thuộc Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ) nói trong cuộc họp báo ở Kiev.
Ông Murphy cho biết ông hy vọng dự luật trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin, sẽ được chính quyền Mỹ thông qua trước khi Nga kịp có bất cứ hành động gây hấn nào.
Trong cuộc họp với các thượng nghị sĩ Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi Washington nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt "để kiềm chế sự hung hăng" từ Nga.
Đáp lại các cáo buộc từ Mỹ và phương Tây, Nga từng nhiều lần khẳng định nước này không có ý định xâm lược Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov thậm chí còn gọi "kịch bản chiến tranh nhằm vào Ukraine là một điều điên rồ". Cũng theo ông Peskov, việc Mátxcơva điều động binh sĩ trong lãnh thổ Nga là vấn đề nội bộ của nước này, không phải là động thái đe doạ bất kỳ ai.