Mỹ nguy cơ lộ bí mật sau vụ lính vượt biên vào Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, một lính Mỹ có vẻ vừa bị Triều Tiên bắt tạm giam. Tình huống này có thể trở thành cơn đau đầu về ngoại giao đối với Mỹ, trong bối cảnh Washington cùng đồng minh đang gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.
Mỹ nguy cơ lộ bí mật sau vụ lính vượt biên vào Triều Tiên ảnh 1

Khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)

Quân đội Mỹ xác nhận quân nhân vượt qua đường phân định giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là Travis King.

Các quan chức quân sự Mỹ cho biết, King tự ý vượt qua đường phân định khi đang tham quan Khu vực An ninh chung theo một đoàn du khách dân sự.

King là lính trinh sát, nhập ngũ từ tháng 1/2021, sau đó được luân chuyển đến Hàn Quốc.

Giới chức Mỹ không cho biết King phục vụ ở Hàn Quốc được bao lâu, nhưng có lần anh ta bị phạt vì hành động tấn công người khác và bị nhốt 50 ngày.

Theo các quan chức Mỹ, sau khi được thả, King bị áp giải đến sân bay để lên chuyến bay trở về Mỹ. Tại sân bay, những người áp giải King không thể qua cửa an ninh, nên King rời sân bay và sau đó tham gia tour tham quan Khu vực An ninh chung.

King được cho là quân nhân Mỹ đầu tiên vượt biên sang Triều Tiên kể từ năm 1982.

Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng suốt mấy chục năm qua, nhưng hiện nay đang ở mức khó khăn hơn cả.

Từ đầu năm nay, Triều Tiên đã 3 lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và cáo buộc Mỹ cùng đồng minh Hàn Quốc leo thang căng thẳng bằng những cuộc tập trận và điều động vũ khí. Mỹ điều một tàu ngầm tên lửa đạn đạo có thể phóng vũ khí hạt nhân cập cảng Busan của Hàn Quốc trong tuần này.

Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng đóng vai trò như văn phòng liên lạc của Mỹ.

Không rõ King có thông tin tình báo quân sự nào hữu ích cho Triều Tiên. Anh ta có thể không được tiếp cận thông tin cấp cao, nhưng có thể cung cấp những thông tin như bố trí căn cứ, các đơn vị và số lượng binh lính của Mỹ ở Hàn Quốc.

Là một quân nhân và công dân Mỹ, King cũng có thể trở thành một công cụ mặc cả tốt cho Bình Nhưỡng.

Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc, lực lượng đang giám sát các hoạt động tại Khu phi quân sự, cho biết đang “trao đổi với quân đội Triều Tiên để giải quyết vụ việc”. Chưa rõ Triều Tiên đòi hỏi gì để chấp nhận trao trả King, hoặc có thể dùng King vào mục đích tuyên truyền.

Sau chiến tranh Triều Tiên, rất ít lính Mỹ chạy trốn đến Triều Tiên. Không rõ ý định lần này của King là gì.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp công dân Mỹ mắc kẹt ở Triều Tiên hoặc bị nước này giam giữ.

Trường hợp gần đây nhất là Bruce Byron Lowrance. Báo chí Triều Tiên nói rằng người này vượt qua biên giới từ phía Trung Quốc sang Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cáo buộc Lowrance làm việc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhưng thả người này sau 1 tháng tạm giam, với sự vận động của Đại sứ quán Thụy Sĩ.

Trường hợp gây chú ý nhất là Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ đến Triều Tiên với vai trò khách du lịch, nhưng bị giam 17 tháng vì tội ăn trộm khẩu hiệu chính trị trong khách sạn.

Warmbier bị kết án 15 năm tù khổ sai, nhưng được thả năm 2017. Giới chức Mỹ nói rằng Warmbier đã bị tra khảo. Người này chết chỉ 1 tuần sau khi về Mỹ, vì tổn thương nghiêm trọng ở não.

Trường hợp lính Mỹ vượt biên vào Triều Tiên nổi tiếng nhất là Charles Jenkins. Trung sĩ quân đội Mỹ trốn sang Triều Tiên năm 1965, khi đang phục vụ tại một đơn vị của Mỹ gần Khu phi quân sự năm 1965.

Jenkins sau đó bày tỏ tiếc nuối vì hành động của mình và nói rằng anh ta làm như vậy vì rượu.

Khi ở Triều Tiên, Jenkins xuất hiện trong một số phim tuyên truyền, dạy cho các điệp viên Triều Tiên tiếng Anh và học tập tư tưởng của các lãnh đạo Triều Tiên.

Jenkins được phép rời Triều Tiên năm 2004, hai năm sau khi người vợ Nhật Bản của anh ta bị Triều Tiên bắt cóc cũng được phép rời Triều Tiên theo một thỏa thuận giữa Bình Nhưỡng và Tokyo.

Theo CNN
MỚI - NÓNG