Mỹ gia tăng áp lực quân sự, Triều Tiên trước ngưỡng cửa chiến tranh?

Oanh tạc cơ B-1B Lancer vừa được Mỹ điều động tới Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: US Navy
Oanh tạc cơ B-1B Lancer vừa được Mỹ điều động tới Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: US Navy
TPO - Chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau khi Mỹ tuyên bố kích hoạt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và đưa oanh tạc cơ B-1B tới Bán đảo Triều Tiên, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã bất ngờ xuất hiện ở đảo tiền tiêu giáp CHDCND Triều Tiên.

Những diễn biến dồn dập trên Bán đảo Triều Tiên những ngày qua, đang khiến giới quan sát nghiêng về khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự so Mỹ phát động nhằm vào chính quyền Bình Nhưỡng.

Giám đốc CIA thị sát đảo tiền tiêu

Giám đốc CIA Mike Pompeo ngày 2/5 đã tới thăm Yeonpyeong, một hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc giữa lúc tình hình trên Bán đảo Triều Tiên căng thẳng.

Theo thông báo của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), ông Pompeo đã có mặt trên đảo Yeonpyeong để thị sát vùng biển tranh chấp và "trực tiếp đánh giá mối đe doạ của Triều Tiên với Hàn Quốc tại điểm nóng trong quá khứ và mang nguy cơ tiềm tàng này".

Đáng chú ý, năm 2010, Triều Tiên từng nã pháo vào đảo Yeonpyeong khiến hai binh sĩ và hai dân thường Hàn Quốc thiệt mạng.

Đi cùng ông Pompeo tới đảo Yeonpyeong có Đại tướng Vincent K. Brooks, Tư lệnh USFK và Đại tướng Leem Ho-young, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy lực lượng hỗn hợp Mỹ-Hàn.

Giám đốc CIA có chuyến thăm tới Hàn Quốc vào cuối tuần để thảo luận chi tiết về an ninh với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Byeong-ho. Ông là quan chức Mỹ cấp cao nhất tới Seoul kể từ sau chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tháng trước.

Kích hoạt hệ thống THAAD

Đại diện quân đội Mỹ ở Hàn Quốc Rob Manning ngày 2/5 cho biết: “Hệ thống tên lửa phòng thủTHAAD đã được triển khai và sẵn sàng bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên và bảo vệ Hàn Quốc”.

THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động, dùng để tiêu diệt tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật và tầm trung ở bên trong và bên ngoài khí quyển để bảo vệ các khu dân cư và các mục tiêu hạ tầng trọng yếu.

Hệ thống có khả năng cơ động cao và khả năng triển khai trên toàn thế giới, có khả năng tương tác với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác.

Mỹ bắt đầu chuyển các bộ phận đầu tiên của THAAD sang Hàn Quốc từ hồi tháng 3 sau khi Triều Tiên phóng thử 4 tên lửa đạn đạo.

Seoul và Washington cho biết mục đích duy nhất của THAAD là phòng thủ trước tên lửa Triều Tiên nhưng cả Nga lẫn Trung Quốc cho rằng hệ thống radar uy lực của THAAD có thể ảnh hưởng đến an ninh của hai nước này cũng như không giúp làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga lập luận radar của THAAD có thể giám sát được các tên lửa của nước này ngay từ giai đoạn rời bệ phóng để cung cấp các dữ liệu tình báo giúp cho việc báo động và đánh chặn giai đoạn sau, có thể giúp vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo vượt đại châu của họ.

Điều động oanh tạc cơ B-1B Lancer

Hai chiếc oanh tạc cơ B-1B Lancer của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương ngày 1/5 đã bay qua Bán đảo Triều Tiên.

Phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, hai chiếc máy bay ném bom B-1B Lancer đã thực hiện các chuyến bay qua bầu trời Bán đảo Triều Tiên nói trên được khởi hành từ căn cứ không quân Andersen trên quần đảo Guam.

Theo giải thích của Quân đội Mỹ, đây là hoạt động huấn luyện nằm trong khuôn khổ các cuộc diễn tập 2 năm một lần với đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, Hãng thông tấn Quốc gia Triều Tiên (KCNA) cho rằng động thái của Mỹ là hành vi khiêu khích quân sự.

Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân

“Nắm trong tay thanh gươm vũ khí hạt nhân quý báu, chúng tôi đang theo theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của kẻ thù với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến đấu”, KCNA ngày 2/5 dẫn tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng trước những động thái quân sự ngày càng gia tăng của Mỹ xung quanh Bán đảo Triều Tiên.

“Ông Trump và những đối tượng Mỹ hiếu chiến khác đang kêu gào thực hiện tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Sự khiêu khích quân sự một cách liều lĩnh đó đang đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới gần bờ vực chiến tranh hạt nhân hơn”, KCNA tuyên bố.

Trước đó, hôm 1/5, chính quyền Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tăng cường lực lượng này lên mức cao nhất nhằm đáp trả những động thái của Mỹ mà nước này gọi là xâm lược và hiếu chiến.

“Mỹ đang đẩy mạnh các trừng phạt và áp lực đối với Triều Tiên, theo đuổi chính sách mới mà Triều Tiên gọi là 'tối đa hóa áp lực và ràng buộc'", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Các biện pháp thúc đẩy lực lượng hạt nhân lên mức cao nhất sẽ được thực hiện liên tục tại bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu theo chỉ đạo của lãnh đạo tối cao Triều Tiên, người phát ngôn nói thêm.

MỚI - NÓNG