BDN được coi là đối trọng của sáng kiến Vành đai-Con đường (Belt & Road Initiative - BRI) của Trung Quốc. BDN được đưa ra khi Mỹ, Úc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thỏa thuận này đạt được bên lề hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan năm 2019.
BDN là một dự án nhiều bên tham gia và dự án này nhằm tập hợp các chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáng tin cậy đối với hạ tầng toàn cầu trong một khuôn khổ mở và bao trùm.
“Thông qua BDN, Mỹ tự hào cùng với các đối tác chủ chốt hoàn toàn giải phóng sức mạnh của cơ sở hạ tầng chất lượng cao để thúc đẩy sự ổn định, tiến bộ và cơ hội chưa từng có”, ông David Bohigian, cựu quyền chủ tịch và tổng giám đốc điều hành Cơ quan Đầu tư tư nhân hải ngoại của Mỹ (OPIC), nói. OPIC gần đây được sáp nhập vào Cơ quan Tài chính phát triển quốc tế và tăng gấp đôi năng lực đầu tư từ 30 tỷ USD lên 60 tỷ USD.
Trong khi Washington và Bắc Kinh phân chia chiến tuyến thương mại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ “muốn một hệ thống minh bạch, cạnh tranh, định hướng thị trường đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan”. Tuyên bố của ông là lời chỉ trích phi ngoại giao đối với mô hình kinh tế của Trung Quốc mà nhiều người cho rằng, đầy rẫy tham nhũng và thiếu minh bạch.
Trong khi chương trình chính sách đối ngoại đầy tham vọng của Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế trị giá nhiều nghìn tỷ USD ra toàn cầu, một số nước đang phát triển nói không với tài trợ từ BRI. Một số nước ASEAN như Myanmar, Malaysia… cũng đang lo ngại về chi phí cao của các dự án Trung Quốc, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và nhưng toan tính của nước này đối với lợi ích chủ quyền của họ.
Vì khuyến khích việc áp dụng các tiêu chuẩn đáng tin cậy đối với “sự phát triển hạ tầng toàn cầu chất lượng cao trong một khuôn khổ rộng mở và bao trùm”, BDN đem lại cơ hội tốt cho các nước ASEAN đang cần vốn đầu tư, nhưng không muốn Trung Quốc nhảy vào nắm giữ, thao túng mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển, viễn thông… của họ.
Theo Ngân hàng Thế giới, mỗi năm, Việt Nam cần ít nhất 25 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số thành viên ASEAN không muốn rơi vào bẫy nợ ẩn giấu trong BRI.
Nhiều tổ chức, chính khách và nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu cho rằng, các nước tham gia BRI có thể trở nên phụ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị vì họ sẽ trở thành con nợ của Bắc Kinh, thậm chí đánh mất tài nguyên thiên nhiên, bị phía Trung Quốc do thám… Một số quan chức, học giả ở Washington cho rằng, mục đích duy nhất của BDN là trở thành một phần của kế hoạch gửi thông điệp sâu rộng hơn của Mỹ tới các nước đang phát triển ở châu Á. Đó là không nên dựa vào các quỹ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Nhiều nhà thầu Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài có truyền thống đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo.
BDN nên được coi là sáng kiến địa-ngoại giao lớn để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng BDN không thể cạnh tranh được với lượng tiền khổng lồ mà Trung Quốc sẵn sàng bơm vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley dự đoán, tổng chi tiêu của Trung Quốc trong vòng đời BRI có thể lên tới 1.200-1.300 tỷ USD vào năm 2027.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Đông Nam Á nên tham khảo một câu trong cuốn “Poor Richard’s Almanack” của Benjamin Franklin. Đó là “thà ôm bụng đói đi ngủ còn hơn thức dậy trong nợ nần”.