“Phim tài liệu chính là tấm gương phản ánh muôn màu đời sống xã hội, phương tiện để chúng ta thấy xu hướng phát triển thế giới. Phim về cuộc sống thật, phong cách làm phim chân thật nhưng mang lại cái nhìn sống động, khía cạnh khác nhau khiến người xem rung động”, bà Almuth Meyer-Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe, Chủ tịch Hiệp hội các Viện văn hóa và ĐSQ châu Âu (EUNIC) phát biểu trong họp báo sáng 3/6.
Tám phim tài liệu châu Âu, chín phim Việt Nam và chùm phim của các nhà làm phim trẻ Đông Nam Á tạo nên bữa tiệc phim nhiều màu sắc văn hóa. Mỗi buổi chiếu, BTC lựa chọn một phim Việt, một phim châu Âu tương đồng về chủ đề, được xem như hình thức đối thoại.
Khi không thể vượt qua chính mình của đạo diễn Trịnh Quang Tùng-Bùi Thị Phương Thảo, nói về thực tế xã hội ngày càng gia tăng tỷ lệ người bị khủng hoảng tâm lí, mắc bệnh tâm thần. Hỏi đùa đạo diễn, làm phim này có gì không bình thường, anh nói: “Quan trọng nhất là đã vượt qua chính mình”.
Xin đừng quên tôi của đạo diễn Đức David Sieveking kể chuyện cả gia đình anh chăm sóc người mẹ mất trí nhớ. Chuyên gia dựng phim Catrin Vogt nói, dù đề tài có vẻ buồn nhưng phim “không bi lụy, ngược lại là câu chuyện giản dị, cảm động với óc hài hước của đạo diễn”. BTC giải thích thêm, chọn phim vì đoạt nhiều giải thưởng uy tín, và là vấn đề xã hội quan tâm.
Phim tài liệu châu Âu dịp này có: Đài phát thanh quốc gia Pháp: Những bí mật nhỏ; Và Gaelle- hành trình ba người lính cứu hộ trở lại Haiti tìm cậu bé họ đã cứu; Chiếc ti vi vẫn bật về cuộc đời một phụ nữ Anh qua đời ba năm sau mới được phát hiện; Boleslaw Matuszewski-Người tiên phong vô danh của ngành điện ảnh; Tzvetanka. Nhân văn đô thị được ĐSQ Đan Mạch giới thiệu “gần gũi với Việt Nam vì đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt”.
Ngày mai em đi của đạo diễn trẻ người Áo gốc Việt kể chuyện 30 năm trước, bố của Martin Nguyễn rời Việt Nam đến ngôi làng nhỏ ở Áo. Và hành trình gia đình nhỏ này bắt đầu cuộc sống mới nơi xa lạ, cho đến cuộc sống hiện nay.
Một số phim Việt Nam sản xuất gần đây dự LHP: Người giữ lửa, Động đất sóng thần, thảm họa khôn lường, Cỏ xanh im lặng, Hai phía cuộc đời, Triết gia Trần Đức Thảo, Dẫu nẻo về còn xa, Đạo sắc phong.
“Tổ chức liên hoan này, chúng tôi muốn có cuộc đối thoại giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam. Bên cạnh đó, BTC mong muốn hình thành thói quen xem phim tài liệu của khán giả. Hãng mong nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút người xem, đưa phim ra thế giới, để phim Việt gần với cách thể hiện của thế giới”, bà Trần Thị Tuyết, TGĐ Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư nói.
LHP Tài liệu châu Âu-Việt Nam tại Hà Nội (4-12/6), TPHCM từ 21-29/6, vào cửa tự do. Ngày phim Đông Nam Á 7/6 tại Hà Nội và 22/6 tại TPHCM, với chùm phim của các nhà làm phim trẻ Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Thái Lan: Đỉnh A Mú Sung, Nơi nào tôi đi, Phía sau màn bạc, Chiếc tivi màu khác, Cân nhắc, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.
Viện Goethe cũng tổ chức workshop về dựng phim với sự hướng dẫn của chuyên gia Catrin Vogt. DocNet Đông Nam Á hợp tác cùng tổ chức phi chính phủ STEPS khởi động dự án phim tài liệu toàn cầu Bước tới ước mơ.