Một kiểm sát viên ở Đắk Nông bị bắt sau lá đơn tố cáo của bị can

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vụ Kiểm sát viên cấp huyện ở tỉnh Đắk Nông vừa bị Cục điều tra VKSND Tối cao bắt tạm giam, theo nguồn tin của Tiền Phong để điều tra liên quan đến đơn tố cáo nhận 80 triệu đồng giúp một bị can được tại ngoại.

Bị tố nhận 80 triệu đồng

Ngày 10/5, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông xác nhận, ông Hoàng Thanh Chung, Kiểm sát viên của VKSND huyện Tuy Đức vừa bị Cục điều tra VKSND Tối cao bắt tạm giam liên quan đơn tố cáo của vợ chồng anh Võ Tư Th. và chị Nguyễn Thị Bích H. (trú xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức). VKSND tỉnh Đắk Nông cũng từng nhận đơn tố cáo ông Chung và đã chuyển VKSND Tối cao xử lý.

Anh Võ Tư Th. xác nhận, chính anh cùng vợ Nguyễn Thị Bích H. gửi đơn khiếu nại, tố cáo hành vi nhận tiền của ông Chung và Công an huyện Tuy Đức. Anh Th. và bà Nguyễn Thị T. (mẹ ruột) đang là bị can trong vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Một kiểm sát viên ở Đắk Nông bị bắt sau lá đơn tố cáo của bị can ảnh 1

Anh Th.- người gửi đơn tố cáo ông Chung

Anh Th. cho biết, mọi chuyện xuất phát từ việc ông Sầm Văn N. (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) nợ tiền phân bón và cà phê của gia đình anh nhiều năm chưa trả. Ngoài ra, tháng 1/2018, ông này còn thế chấp cho gia đình anh Th. 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để vay 110 triệu đồng. Đến tháng 11/2018, ông N. bán mảnh đất thuộc GCNQSDĐ (đã thế chấp) cho ông Phùng Lê H. (cùng xã). Ông H. thỏa thuận sẽ trả một phần tiền nợ của ông N. cho gia đình anh Th. để lấy giấy tờ đất.

Ngày 18/5/2020, ông H. chủ động đến gặp bà Nguyễn Thị T. (mẹ anh Th.) và chốt tổng số nợ (cả gốc và lãi) của ông N. hơn 1 tỷ đồng. Ông H. nhận trả số tiền gần 580 triệu và chủ động viết Giấy vay nợ. Còn lại ông N. phải trả cho gia đình anh Th. 440 triệu đồng. Tiếp đến ông H. gọi điện cho bà T. đề cập việc trả 440 triệu và nhấn mạnh: "Vay 110 triệu đồng, còn lại tiền lãi" để ghi âm gửi công an.

Hai ngày sau, ông H. và ông N. đem 300 triệu đến trả nhưng anh Th. không ở nhà. Ông H. gọi điện thoại thông báo số tiền trả và được anh Th. đồng ý. Tuy nhiên, khi ông H. đưa tiền cho bố mẹ anh Th. và người bố viết giấy biên nhận "Đại lý V.H. nhận của ông H. trả nợ cho ông N. 300 triệu, 140 triệu còn lại trả tiếp rồi lấy giấy tờ đất", thì công an ập vào bắt. Lúc này, anh Th. vừa về cũng bị bắt luôn. Về sau, bố anh Th. được thả.

Anh Th. thông tin thêm, quá trình điều tra, truy tố, anh và mẹ bị ép phải khai theo biên bản bắt quả tang và phải chung chi tiền mới được tại ngoại.

Chị Nguyễn Thị Bích H. kể, khi chồng bị bắt, một cán bộ Công an huyện Tuy Đức nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu đưa 100 triệu để cho tại ngoại. Chị H. nói chỉ có 80 triệu thì vị này đồng ý và yêu cầu đưa cho ông Chung.

Tuy nhiên, sau đó, ông Chung lại tới nhà anh Th. nói rằng ông T. (cán bộ Công an huyện Tuy Đức) cầm hết 80 triệu mà không đưa lại cho lãnh đạo VKSND huyện Tuy Đức. Toàn bộ cuộc nói chuyện này đều bị ghi âm lại, nộp kèm theo đơn tố cáo gửi các cơ quan liên quan và VKSND Tối cao.

Bị can kêu oan

Đầu tháng 6/2022, anh Th. và mẹ bị TAND huyện Tuy Đức xét xử tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 BLHS. Theo cáo trạng, ngày 7/1/2018, Võ Tư Th. và Nguyễn Thị T. cho ông N. vay 110 triệu. Đến ngày 18/5/2020, Th. và T. thống nhất tính tiền lãi từ ngày vay đến ngày 18/5/2020 là 330 triệu đồng và đã nhận trước 300 triệu đồng tiền lãi thì bị bắt quả tang. Như vậy, Võ Tư Th. và Nguyễn Thị T. có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, với lãi suất 9,49%/tháng = 115,48%/năm, vượt quá 5,77 lần lãi suất tối đa quy định, thu lợi bất chính hơn 248 triệu. Tòa tuyên phạt bị cáo Th. và T. mỗi người 9 tháng tù giam. Sau đó, cả anh Th. và mẹ kháng cáo kêu oan.

Một kiểm sát viên ở Đắk Nông bị bắt sau lá đơn tố cáo của bị can ảnh 2

Bị can Th. kêu oan trong vụ án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"

Ngày 14/9/2022, TAND tỉnh Đắk Nông hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra xét xử lại.

Đến ngày 4/4/2023, VKSND huyện Tuy Đức ban hành cáo trạng, giữ nguyên quyết định truy tố Th. và T. tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Anh Th. cho hay, bản thân và mẹ bị oan vì bản chất giao dịch của gia đình và ông N. là dân sự nhưng bị cài bẫy để bắt quả tang, quy kết tội. Việc quy chụp số tiền 440 triệu gồm 110 triệu tiền gốc, còn lại tiền lãi của số tiền này là không đúng. Bởi số tiền 440 triệu như đã chốt ở trên gồm tiền gốc 110 triệu, một phần gốc của món 580 triệu (trước đó mẹ anh tính thiếu) và lãi suất của 2 khoản trên (lãi 110 triệu và lãi 580 triệu đồng).

MỚI - NÓNG