Sáng 30/3, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp UBND TPHCM tổ chức hội thảo “TPHCM – tầm nhìn Kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”.
Đến dự có Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết: Với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, TPHCM và vùng TPHCM cần định vị lại vị thế cạnh tranh, cụ thể là định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển tương quan với tăng trưởng xanh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan |
TPHCM xác định việc chuyển hóa không gian kinh tế biển vùng Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả, bền vững, tiềm năng và động lực phát triển liên kết vùng; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế mỗi địa phương và kết nối, lan tỏa các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, từng bước liên kết khu vực và quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, mô hình phát triển trong tương lai của TPHCM cần đặt kết nối Vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế trong phần đất và biển của TPHCM, trong đó xác định biển Cần Giờ trong mối quan hệ vùng sẽ là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TPHCM và cả vùng.
TPHCM đang đứng trước nhu cầu tất yếu chuyển đổi trở thành một trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế cùng sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm mới từ phía Đông và Tây như TP Vũng Tàu, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, các khu đô thị mới hiện đại và cảng hàng không quốc tế Long Thành, huyện Gò Công Đông, cảng Hiệp Phước… trong đó có động lực mới từ Khu đô thị du lịch Cần Giờ.
Phối cảnh dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ |
Lãnh đạo UBND TPHCM mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất hướng xây dựng cơ chế cho liên kết vùng để tạo sự đồng thuận một cách thiết thực nhất, đưa TPHCM trở thành điểm thu hút các nguồn lực phát triển, làm động lực lan tỏa và thúc đẩy toàn vùng TPHCM phát triển mạnh mẽ, thu hút dân số và nguồn nhân lực chất lượng cao…
“Việc xây dựng tầm nhìn phát triển kinh tế biển từ tiềm năng toàn vùng kết nối chuỗi đô thị biển tầm vóc quốc tế là cách đặt vấn đề có tính đột phá trong bối cảnh mới phát triển chuỗi không gian biển bằng những mô hình phát triển hiện đại, công nghệ xanh và chuyển đổi số. Chúng ta cần lộ trình phát triển vượt khỏi sự bó hẹp trong phạm vi ranh giới hành chính của từng địa phương”- ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ góp phần hoàn thiện Đề án “TPHCM trong thực hiện mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, tầm nhìn đến năm 2045 là trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á”.
Theo TS Nguyễn Đức Hiển, là một thành phố ven biển, TPHCM đóng vai trò là đầu tàu trong các tỉnh, thành phố ven biển cũng như cả nước. Năm 2020, TPHCM chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh, thành ven biển; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 25,1% tổng vốn FDI của các tỉnh, thanh phố ven biển và chiếm 10,8% cả nước.
TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế của TPHCM vẫn tiếp tục tăng trưởng khá và tiếp tục giữ vững vị trí tiên phong về phát triển kinh tế của cả nước với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả giai đoạn tăng bình quân 6,41%, đóng góp trên 22,2% GDP của cả nước.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đề nghị các chuyên gia đánh giá, làm rõ về vai trò và tầm quan trọng của đô thị hóa, trong đó có các đô thị biển; trao đổi, làm rõ kinh nghiệm các nước trong phát triển các đô thị biển, trong đó có các dự án lấn biển để phát triển đô thị, nhất là việc bảo đảm ba trụ cột cốt lõi trong quá trình thực hiện là kinh tế, xã hội, môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.
"Ban Kinh tế Trung ương mong muốn các chuyên gia có những kiến nghị và đề xuất về nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển, thúc đẩy TPHCM trở thành đô thị biển hiện đại, phát triển bền vững như về mở rộng địa giới TPHCM để thúc đẩy phát triển về phía Cần Giờ gắn với triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư" - TS Nguyễn Đức Hiển cho hay.