Mở lòng với Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn bị hoài nghi

Người dân Seoul theo dõi qua TV bản tin cuộc gặp cấp cao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 9/1. Ảnh: Today Online.
Người dân Seoul theo dõi qua TV bản tin cuộc gặp cấp cao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 9/1. Ảnh: Today Online.
TP - Trong cuộc đối thoại hôm qua với Hàn Quốc, Triều Tiên đồng ý cử đại diện tham dự Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2 tại Hàn Quốc. Hai bên cũng đồng ý khôi phục đường dây nóng quân sự bị gián đoạn 2 năm qua. 

Đây được coi là bước đột phá mang tính biểu tượng sau nhiều tháng căng thẳng vì chương trình hạt nhân và tên lửa tiến bộ mau lẹ của Triều Tiên, nhưng giới quan sát vẫn nhìn Bình Nhưỡng với thái độ hoài nghi. 

Trong cuộc đối thoại tại làng biên giới Bàn Môn Điếm, đoàn đàm phán Triều Tiên nhanh chóng chấp nhận lời mời của Hàn Quốc về việc tham dự đại hội thể thao sắp tới, báo chí Hàn Quốc đưa tin. Ngoài các vận động viên, Bình Nhưỡng còn cử một đội cổ vũ và một đoàn biểu diễn nghệ thuật đến Thế vận hội.

Đây sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa đông trong vòng 8 năm. Nước này đều có vận động tham dự các Thế vận hội Mùa hè kể từ năm 1972, ngoại trừ sự kiện năm 1984 tại Los Angeles và năm 1988 tại Seoul mà Bình Nhưỡng tẩy chay.

Triều Tiên không chỉ không dự Olympic Seoul 1988 mà còn bị cáo buộc là cố tìm cách cản trở sự kiện này sau khi hai miền không thống nhất được chuyện đồng tổ chức. Triều Tiên bị cho là đã đặt bom một chiếc máy bay chở khách của hãng Korean Air năm 1987 mà Hàn Quốc cho là nhằm phá hoại Thế vận hội 1988. Tất cả 115 người trên chuyến bay đó thiệt mạng.

Sự tham dự của Triều Tiên lần này sẽ trở thành bước phát triển mang tính lịch sử trong hoạt động thi đấu, giao lưu thể thao giữa hai miền. Chưa rõ Triều Tiên có kèm điều kiện gì cho quyết định cử đoàn đại diện dự Thế vận hội Mùa đông tại Pyeongchang sắp tới hay không. 

Thỏa thuận này đạt được sau cuộc đối thoại giữa đoàn Hàn Quốc do ông Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon dẫn đầu và đoàn Triều Tiên do người đồng cấp Ri Son Kwon dẫn đầu. Ông Ri mở đầu cuộc đối thoại bằng cách tuyên bố bất ngờ, rằng cuộc nói chuyện lần này nên mở cửa cho phóng viên. Ông nói rằng bằng cách đó có thể giúp người dân cả hai miền chứng kiến sự thành thật của Triều Tiên về việc cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, để đề phòng Triều Tiên tuyên truyền, ông Cho chỉ đồng ý một số phần của cuộc đối thoại cho các phóng viên có thẻ sự kiện. 
Cuộc họp tại khu phi quân sự được truyền hình theo thời gian thực về Seoul, nơi các quan chức Hàn Quốc đang theo dõi sát sao để tìm chiến thuật của Triều Tiên. Còn đoàn Triều Tiên truyền tín hiệu âm thanh về Bình Nhưỡng. 

Trọng tâm của cuộc gặp này là Olympic nhưng giới chức Hàn Quốc cũng kỳ vọng khai thác khả năng Triều Tiên có quan tâm đến việc đối thoại với Mỹ nhằm giảm căng thẳng vì chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay không. Một số nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang hy vọng dùng địa vị nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân tự phong của mình làm đòn bẩy để Mỹ nhượng bộ, đặc biệt là giảm bớt các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng quyết định của ông Kim về việc khởi động đối thoại với Hàn Quốc là một dấu hiệu cho thấy chiến dịch cô lập Triều Tiên đã có tác dụng. 

Cuộc đối thoại ở Bàn Môn Điếm hôm qua là cơ hội để đo lường xem liệu Triều Tiên có sẵn sàng kiềm chế bớt hành vi sau một năm chứng kiến hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa gây lo ngại có thể gây ra chiến tranh toàn diện trên bán đảo.

Nhưng trọng tâm ban đầu vẫn là vấn đề Olympic. Giới chức Hàn Quốc giờ phải lo chuyện đi lại, ăn ở và các vấn đề hậu cần khác cho đoàn Triều Tiên. Triều Tiên thường chỉ cử một nhóm nhỏ tham gia và chưa bao giờ giành được huy chương vàng. Ủy ban Olympic quốc tế hoan nghênh Triều Tiên trở lại và hứa sẽ trả các chi phí cho vận động viên Triều Tiên tại Pyeongchang. Hàn Quốc còn đề xuất đội tuyển của hai nước diễu hành cùng nhau tại lễ khai mạc Olympic, ông Chun Hae-sung, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói với các phóng viên tại Bàn Môn Điếm sau cuộc gặp buổi sáng. 

Cũng nhân dịp này, hai bên đồng ý khôi phục đường dây nóng quân sự bị gián đoạn trong gần 2 năm qua, Thứ trưởng Chun cho biết. Chưa đầy 1 tuần trước, đường dây liên lạc dân sự qua biên giới đã được hai bên mở lại. Kênh liên lạc quân sự bị ngắt vào tháng 2/2016 sau khi Seoul thông báo đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong ở khu vực biên giới do quan hệ hai bên trở nên căng thẳng.
Seoul cũng đề xuất nối lại chương trình đoàn tụ cho những người già chưa được gặp lại người thân ở bên kia biên giới kể từ khi chiến tranh chấm dứt không chính thức năm 1953. Các hoạt động đoàn tụ thường diễn ra vào ngày 16/2, mùa đoàn tụ gia đình truyền thống của người dân trên bán đảo.

Nhiều cảnh báo thận trọng

Trong mấy chục năm qua, Triều Tiên vẫn sử dụng biện pháp gia tăng căng thẳng và đối thoại đan xen, vì thế việc họ cử đại diện dự Olympic lần này vẫn chưa thể khẳng định có phải dấu hiệu mềm mỏng hơn hay không. Đối với người Hàn Quốc, sau khi chứng kiến lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên khẩu chiến hùng hồn suốt năm qua, cuộc gặp giữa hai miền vừa rồi giúp họ thở phào, cho dù một số nhà phân tích cảnh báo điều này có thể không kéo dài. 

Vẫn phải chờ xem chiêu ngoại giao thể thao hiệu quả đến đâu với Triều Tiên. Viễn cảnh tốt nhất là sẽ tạo nên không khí thuận lợi để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán với kẻ thù của họ là Mỹ. Ông Jon Rainwater, giám đốc điều hành tổ chức hòa bình Peace Action (trụ sở tại Mỹ), cho rằng Olympic tạo nên lý do hoàn hảo để Mỹ và Hàn Quốc hoãn tập trận quân sự chung, từ đó “dọn bàn để các bên đối thoại”. 
Ông Scott Snyder, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại tại Washington, nói rằng không có gì ngạc nhiên khi ông Kim cử đại diện dự Olympic vì nhà lãnh đạo này rất thích thể thao. “Dù Triều Tiên chỉ đạt thành công nhỏ trên đấu trường quốc tế cũng có lợi cho ông ấy về di sản đối nội và tự hào quốc gia”, ông Snyder nói với báo The Sunday Times.

Tuy nhiên, TS Balbina Hwang, giáo sư giảng dạy tại ĐH Georgetown (Mỹ), cảnh báo không nên lạc quan quá rằng việc Triều Tiên dự Olympic sẽ mang lại “thay đổi thực sự trong thái độ hay chính sách của Triều Tiên”. Kế sách ngoại giao thể thao trên thực tế không có tác động đáng kể hay lâu dài nào lên địa chính trị ở Đông Bắc Á, bà Hwang nói với The Sunday Times. Ông Snyder cảnh báo khả năng Triều Tiên có thể có hành động khiêu khích trước Olympic, “đặc biệt nếu Triều Tiên giận dữ với kết quả đối thoại hoặc nhìn thấy cơ hội khoét sâu ngăn cách giữa Washington và Seoul”, ông Snyder nói.

Theo Theo NYT, Straitstimes
MỚI - NÓNG