Mô hình Hải quan thông minh: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Công chức Hải quan giám sát hàng hóa thông qua máy soi chiếu
Công chức Hải quan giám sát hàng hóa thông qua máy soi chiếu
Trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, ngành Hải quan xác định mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh.

Tạo thuận lợi thương mại tối đa cho doanh nghiệp

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, đất nước đang trong giai đoạn phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao qua từng năm. Do đó, ngoài công tác quản lý nhà nước về hải quan, nhiệm vụ quan trọng đặt ra với ngành Hải quan trong nhiều năm qua là tạo thuận lợi thương mại.

“Qua 76 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng cục Hải quan đã không ngừng đẩy mạnh hoàn thiện về khung khổ pháp luật; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin như: thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM; phối hợp thu thuế qua ngân hàng thương mại bằng phương thức điện tử 24/7…”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Mô hình Hải quan thông minh: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai kiểm tra hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tháng 9/2020

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đơn vị đã thể hiện rõ vai trò trung tâm để kết nối, thúc đẩy các bộ, ngành liên quan trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua vai trò là Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899).

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp hai năm qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: phòng, chống dịch hiệu quả và đảm bảo thông quan hàng hóa thông suốt, đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng các phương án, các kịch bản để đảm bảo an toàn cho cán bộ công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ làm việc từ xa ở các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.

Đối với vấn đề phát sinh ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái (TPHCM) giữa năm 2021, Tổng cục Hải quan đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, nhanh chóng thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc tại Tổng cục và các cục, chi cục để hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan, nhất là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, đến giữa tháng 8 có hơn 18 triệu liều vắc xin được thông quan để phục vụ công tác tác phòng, chống dịch. Đồng thời giúp kết quả thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan có nhiều khởi sắc, số thu đến 15/8 đạt 241.422 tỷ đồng, tăng 29,19% so với cùng kỳ 2020, đạt 76,64% chỉ tiêu cả năm. Ngành Hải quan nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cả năm 2021 là 315.000 tỷ đồng.

Mô hình Hải quan thông minh: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ảnh 2

Lãnh đạo Bộ Tài chính và ngành Hải quan dự lễ công bố Hệ thống một cửa quốc gia, Hệ thống quản lý và giám sát Hải quan tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tháng 9/2020

Sớm đưa vào hoạt động mô hình Hải quan thông minh

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, song song với thực hiện các nội dung công việc liên quan đến thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình Hải quan thông minh, xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, theo hướng: Hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử.

Mô hình Hải quan thông minh: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ảnh 3

Tổng cục Hải quan họp với đại diện các bộ, ngành về đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành

Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan về xây dựng mô hình Hải quan thông minh, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã thống nhất phê duyệt “Chủ trương xây dựng mô hình Hải quan thông minh là phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và tại Việt Nam”.

Đây là mô hình mới với khối lượng công việc lớn chưa từng có tiền lệ, vì vậy, theo ông Cẩn, để đảm bảo hoàn thành các nội dung theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng đòi hỏi nỗ lực hết sức to lớn của cán bộ công chức toàn Ngành. “Phải phát huy trí tuệ tập thể để hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hải quan làm cơ sở triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh...”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Mô hình Hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.

MỚI - NÓNG