Nhập siêu gần chạm ngưỡng 4 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Dịch COVID-19 đã tác động mạnh lên nền kinh tế, khiến Việt Nam từ nước xuất siêu sang nước nhập siêu.
Dịch COVID-19 đã tác động mạnh lên nền kinh tế, khiến Việt Nam từ nước xuất siêu sang nước nhập siêu.
TPO - Trong 8 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã nhập siêu gần 4 tỷ USD, trong khi năm trước xuất siêu gần 13,7 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan vừa cho biết, trong tháng 8, nền kinh tế cả nước chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên tổng giá trị xuất nhập khẩu giảm 5,8% so với tháng 7, trong đó xuất khẩu giảm 6%, nhập khẩu giảm 5,5%. Đáng chú ý, nếu so với cùng kỳ năm trước giá trị xuất khẩu giảm hơn 5% nhưng nhập khẩu lại tăng tới hơn 21%.

Riêng trong tháng 8, Việt Nam đã nhập siêu tới 1,3 tỷ USD, qua đó đã đẩy nhập siêu tính chung 8 tháng đầu năm lên mức hơn 3,7 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu gần 13,7 tỷ USD).

Các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu trong tháng 8 là dầu thô, clanhke và xi măng, gỗ và sản phẩm gỗ; nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Đáng chú ý, trong danh sách xuất khẩu chủ yếu đã vắng bóng nhiều mặt hàng tỷ đô la lâu nay là thế mạnh của Việt Nam, như: điện thoại và linh kiện, hàng điện tử, máy tính, thuỷ sản…

Ở chiều nhập khẩu, các mặt hàng vẫn nhập nhiều như: xăng dầu, máy tính và điện tử, máy móc và thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, điện thoại và linh kiện, sắt thép, ô tô…

Dù tín hiệu xuất khẩu kém khả quan, nhưng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng mạnh. Theo đó, trong 8 tháng qua đã thu trên 256.920 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước.

Việc nền kinh tế Việt Nam nhập siêu chỉ diễn ra từ tháng 6 tới nay, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu bùng phát trong nước, trong đó có nhiều khu công nghiệp phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch, nhiều địa phương là trung tâm công nghiệp phải giãn cách xã hội. Sự việc cảng Cát Lái ùn ứ do hàng nhập khẩu đưa về cảng doanh nghiệp không nhận là chỉ dấu cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đình trệ, dừng sản xuất nên nguyên phụ liệu nhập về chưa có nhu cầu sử dụng.

MỚI - NÓNG