> Có bao nhiêu công chức không làm được việc?
> Công chức không làm được việc: Phải có giải pháp quyết liệt
Đó là khi ông tiết lộ Bộ này sẽ quyết và công khai danh mục các công trình đầu tư công trung hạn cho 5 năm 2016-2020. Bộ trưởng Vinh cho rằng, đó là “bước đột phá”, “sự dũng cảm của Bộ KH&ĐT”. Rồi ông Vinh lý giải, “chúng tôi đặt ra mục tiêu này để minh bạch, không có chạy chọt, không có chuyện tham nhũng trong này.
Có đồng chí vụ trưởng lâu năm nói với tôi: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai phải đến Bộ KH&ĐT nữa. Tôi bảo: Không. Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có sự tham nhũng”.
Đúng vậy, thưa Bộ trưởng, cử tri cả nước đang rất cần nhiều vị bộ trưởng khác, nhiều quan chức khác cũng “tự lấy đá ghè chân mình” theo cách mà Bộ trưởng vừa nói (và hy vọng ông sẽ làm được như đã nói). Trộm nghĩ, công bộc nào cũng tự “ghè vào chân mình” được như thế, đất nước này hẳn sẽ sạch bóng giặc nội xâm tham nhũng.
Nghị trường tuần này cũng nóng bỏng vấn đề trách nhiệm của thủy điện trước lũ lịch sử miền Trung làm 40 người chết và mất tích, nhấn chìm cả trăm ngàn ngôi nhà trong biển nước, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Từ khóa mà nhiều ĐBQH cũng như công luận đang chất vấn, đòi hỏi chung quy vẫn là hai tiếng “minh bạch” trong xả lũ của các nhà máy thủy điện.
Thử hỏi có tổ chức độc lập nào, có đại diện nào của hàng triệu người dân dưới hạ du giám sát được giữa đêm hôm khuya khoắt, giữa thời điểm lũ thượng nguồn đang ào ào đổ về hồ chứa, mấy ông thủy điện xả bao nhiêu m3/giây? Bao nhiêu ông đồng loạt xả? Bao nhiêu ông xả thẳng cánh lớn hơn cả mức lũ về hồ? Trong cơn cuồng nộ của thiên tai có bao nhiêu phần nhân tai? Không ai biết được! Đó chính là điểm “mờ” hay sự thiếu minh bạch chết người trong vấn đề quản trị xả lũ.
Thậm chí khi xả “bom nước”, ông thủy điện nói có báo trước cho dân, dân mếu máo thưa không vì “lũ lên nhanh chưa từng thấy, đang ngủ trên giường thấy ướt sũng tưởng có đứa mô đái vào quần”, cuối cùng thoát chết trong gang tấc vì kịp trèo lên nóc nhà. Báo bằng những hình thức nào, trước mấy tiếng hay chỉ vài chục phút? Tất cả cũng đều phải có quy định rõ ràng, có cơ chế cho dân giám sát, hay nói cách khác cần phải minh bạch. Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chính thức yêu cầu phải công khai quy trình vận hành hồ chứa của tất cả các nhà máy thủy điện.
Trong một xã hội dân chủ và công bằng, minh bạch cần ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực. Không chỉ riêng trong quản lý đầu tư công hay xả lũ thủy điện, mà nhiều lĩnh vực khác trong nền hành chính phục vụ dân đang rất cần một cơ chế buộc sự công khai, minh bạch luôn phải hiện diện.