EVN cũng cho biết, tổng doanh thu bán điện năm 2013 là 172.903,33 tỷ đồng, đạt mức giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.499,82 đồng/kWh.
Như vậy, thật đáng mừng vì Tập đoàn này đã chính thức có lãi hàng ngàn tỷ đồng sau nhiều năm từng kêu lỗ triền miên. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân sẽ bớt dần phải hứng chịu cảnh giá điện chỉ có tăng mà không hề giảm - một quy luật phi thị trường chỉ có ở ngành điện! Dẫu vậy tại cuộc họp báo nói trên, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) vẫn nêu ra những thông tin “đáng ngờ” về tính xác tín của giá thành điện năm 2013 do EVN công bố.
Đáng chú ý, dù đã hết năm nhưng hiện EVN vẫn chưa có số liệu về mức lãi ước tính của năm 2014. Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu mức tăng giá 9,5% do EVN đề xuất dựa chủ yếu trên số liệu năm 2013 có hợp lý? Trong khi đó, năm 2014 nhiều yếu tố đầu vào của giá thành sản xuất điện đã giảm.
TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) phân tích trên VnExpress rằng, lý do tăng giá bán điện của EVN nêu ra đến nay chưa thỏa đáng. Theo ông Long, hiện đầu vào của ngành điện hiện chủ yếu từ 3 nguồn chính là thủy điện, dầu khí, và than.
Nguồn nước thủy điện đã thuận lợi trở lại, dầu khí giảm cực mạnh, chỉ có than cho nhiệt điện tăng một chút. Bên cạnh đó, yếu tố tỷ giá VND/USD trong năm nay cũng rất ổn định.
Trong khi đó bản thân lãnh đạo EVN khi trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong cũng thừa nhận, hiện năng suất lao động ngành điện của Việt Nam chỉ đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, bằng 40% Thái Lan, 60% Malaysia và chỉ 10% so với Singapore. Thêm nữa hiện ngành điện cũng đang phải “cõng” số nhân công “thừa” lên tới hàng nghìn người, chưa kể năng suất lao động thấp...
Như vậy, trước khi các bộ ngành chức năng duyệt phương án tăng giá điện 9,5% theo đề xuất của EVN, 22 triệu khách hàng của Tập đoàn này đòi hỏi ngành điện hãy tiếp tục công khai, minh bạch toàn bộ giá thành sản xuất điện của năm 2014, với sự kiểm chứng của Vinatas và kiểm toán độc lập.
Thiết nghĩ, chỉ khi nào hàng chục triệu người tiêu dùng trên cả nước hiểu được vì sao EVN muốn tăng giá một cách tường minh và thuyết phục, khi đó dư luận ắt sẽ đồng thuận, ắt sẽ chia sẻ và cảm thông với ngành điện.
Trong nền kinh tế thị trường, thật phi lý và khó chấp nhận khi giá cả một mặt hàng nào đó chỉ có lên mà không có xuống. Do vậy, cần lắm thay một lời giải thích thật minh bạch về giá điện của EVN.