Mẹ về khi mai nở

Minh họa: Huỳnh Ty.
Minh họa: Huỳnh Ty.
TP - Chị đi vào tháng tư âm lịch. Mưa đầu mùa dai dẳng trên triền sông, trắng ngăn ngắt một màu xa xót. Gió thổi xiên bạt câu từ biệt âm thầm. Chuyến đò ngang hôm ấy chỉ có mình chị và bà lái đò luống tuổi, cặm cụi với cây chèo, chẳng buồn để mắt tới hành khách duy nhất đang thẫn thờ ngoái lại cái xóm chài hiu hắt trong màn mưa của mình.

Lần bỏ đi này, chị đã ấp ủ gần hai mươi năm đằng đẵng. Cái xứ gì mà khỉ ho cò gáy, mà bùn lầy váng phèn, mà nghèo đói xác xơ đến tệ. Người ta đến chết dần chết mòn, quay quắt khổ sở vì nó! Quá khứ ủ ê cứ như những đoạn phim chiếu dạo lũ lượt tràn về, nhắc chị rằng, đúng rồi, lẽ ra phải đi từ lâu, lâu lắm rồi kia chứ! Chị quả đã sai lầm thật sự. Tại sao lại lần chần tới tận bây giờ? Tại sao?

Đó chắc chắn phải là thời điểm, chị chưa sinh con, đứa con gái đầu lòng nhẹ cân như một cái chai rượu rỗng, quặt quẹo tựa hồ chẳng đủ tháng ngày nằm trong bụng mẹ. Đứa con bé bỏng ấy cướp hết mọi cơ hội sửa chữa cái quyết định bồng bột của chị khi nhất quyết theo người đàn ông phong trần của xóm chài về xứ, bất chấp sự từ bỏ của cả gia đình, cha mẹ anh em ruột thịt…

Hai mươi năm, đứa con gái ấy lũ lượt có em. Những thằng con trai đen nhẻm và nghịch như quỷ sứ, nứt mắt ra là đã nhào ra bờ ao hôi cá, nơm lợp này nọ. Kiếm cái bỏ vào nồi kho quẹt, nấu canh. Mà đồng ruộng thì không còn mãi những thứ cua tép thiên nhiên. Người ta bắt đầu phải nuôi cấy nhân tạo từ mấy con tôm đất cho tới mớ cá kèo, củ năn bông súng kèo nèo rau dừa rau nhút dần dà có giá. Cuộc sống vốn chẳng dễ dàng gì, dù đất phương Nam chưa bao giờ từng giờ hẹp hòi với những đứa trẻ gầy nhẵng, mình trần lội mương, sải tay bơi đìa như rái cá.

Chị soi gương, thấy những yểu điệu tiểu thư ngày xưa đã biến mất từ lúc nào chẳng rõ. Quần áo nhàu nhĩ ngả vàng. Tháng năm nghiệt ngã như một chuyến xe chẳng có khứ hồi. Bên kia sông, có nhà bà cò chuyên dắt mối việc làm lẫn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, đã năm lần bảy lượt khuyến khích chị thử một lần thay đổi. Lên thành phố mà làm kiếm tiền lo cho lũ nhỏ. Cứ luẩn quẩn ở nhà rồi khổ cả mẹ lẫn con. Trên đó người ta cần người lắm. Yên ổn nhàn hạ tấm thân mà lại có đồng ra đồng vào… Chị cũng đôi lần ướm lời với chồng con. Mẹ ở nhà với tụi con đi mẹ! Hoặc, Cứ ở yên đó, sướng khổ bao nhiêu mà phải đòi bỏ xứ ra đi! Câu năn nỉ của con khiến lòng chị nhũn xuống. Chồng cộc cằn nói trong lúc hiếm hoi tỉnh táo. Lúc say, chai rượu dằn xuống cái mâm nhôm móp méo đầy đe dọa. Khinh thằng này hay sao mà đòi bỏ nhà đi? Thứ đàn bà hư hỏng tham phú phụ bần. Thứ bỏ cha bỏ mẹ theo trai. Thứ không chịu cúc cung làm mẹ mà cứ đòi sống vùng lên cho riêng mình…

Ừ thì, đàn bà miệt này đa phần đều được chồng đối đãi như thế. Đâu riêng gì chị phải nín nhịn khi chồng uống rượu lẫn khi chồng chẳng có chút hơi men trong người. Cứ tưởng ruộng đồng, mớ tép con khô có thể nuôi sống con người ta được mãi đủ đầy. Mà quên mất, năm tháng kiệt cùng, hạnh phúc trong căn nhà lợp lá dừa nước cứ khô cạn dần đi như con nước cuối ròng. Đâu biết sự đời đã chẳng còn đơn giản như cái thuở chị cương quyết bỏ cha bỏ mẹ theo chồng về xứ, vì mê cái cách hành xử kiểu “công tử miệt vườn” của người đàn ông xóm chài.

***

Chị siêng gởi tiền về quê, đều đặn tháng tháng, nhưng không có ý định về thăm nhà. Đã khó khăn lắm mới bước chân ra được, chị sợ bao chèo kéo nước mắt và cả những hăm dọa đánh đập làm mình chùn lại. Chị không thể cứ mềm lòng mãi được. Chị chẳng muốn tiếp tục chịu đựng cảnh sống khổ sở bế tắc kiểu ấy nữa. Đã là quá đủ. Chị sẽ đi làm kiếm tiền. Buông bỏ cho cha con các người xoay sở. Mặc kệ cái cảnh chạy ăn từng bữa, kiếm gạo đổ vào nồi, vơ mớ cá vụn rau dại mà đắp đổi. Mấy trăm ngàn tiền trường của con cũng bị nợ nần réo rắt. Chị ngán ngẩm cái mùi hèm rượu quanh năm trong nhà lắm rồi…

Nhà chủ khá rộng rãi, đối xử rất hậu. Đúng là cái thời tìm người giúp việc còn khó hơn kiếm chồng có khác, osin được nâng niu lắm. Chị có hẳn một khoảng không gian be bé riêng tư với giường nệm tươm tất. Chị được cho tiền quà sáng mỗi tuần. Chị được xài sữa tắm thơm. Chị được mặc những bộ đồ thoang thoảng mùi nước xả vải, quần lửng áo thun đèm đẹp của thời còn sống bên cha mẹ ở chợ, chứ chẳng lúc nào cũng hôi hám sình đất của những ngày chỉ biết có con cái thuở lấy chồng.

Nhà chủ thích ăn những thứ đồ “đồng”. Cá đồng, rau đồng, ếch đồng. Chợ hẻm gần đấy, có một mụ đàn bà nhà quê chuyên trị mấy thức ấy. Hỏi, ở đâu có mà bán, mụ bảo, chồng đi soi được ban đêm. Con trai đặt lờ kiếm được. Có hôm là con lươn với cái bụng vàng lườm. Bữa lại thêm con chim gì đấy có cái ức đầy thịt. Mang về vặt lông, ướp ngũ vị hương xong, khìa trên chảo. Mùi thơm nức mũi làm chị bỗng nhớ tới mấy đứa nhỏ. Biết lâu rồi chúng có cái gì ngon để ăn…

Thi thoảng xách giỏ đi chợ, chị khựng lại khi thấy mụ hàng cá không ra bán. Thay vào đó, là đứa con gái trạc mười lăm mười bảy, da hơi ngăm ngăm, khẳng khiu ngồi cúi mặt bên lũ ếch nhái cá lóc cá rô mà khách ăn ở thành phố lúc nào cũng chần chừ trước khi hỏi giá, rằng:

- Có làm sẵn dùm không đấy hở nhỏ?

Chị tần ngần đứng ngó con bé thọc tay nắm từng con ếch ra, vụng về với mấy công đoạn cần thiết để biến cái sinh vật tội nghiệp ấy trở thành một thứ trắng ởn sẵn sàng để chế biến các món thơm bơ, xả ớt hay cà ri gì đấy. Chị nhìn đứa con gái, bỗng dưng nghĩ xa xôi rằng, ở cái độ tuổi đó, lẽ ra nó phải được mặc áo dài hoặc váy đồng phục có dây đeo, được hét lên sợ hãi khi nhìn thấy con chuột con gián, được khóc nhè nhõng nhẽo khi bị bạn mang thằn lằn rắn mối ra dọa kia chứ. Cái con bé làm ếch ở chợ ám ảnh chị. Lâu lâu chị lại thấy nó một lần, đầy tò mò theo kiểu trông đợi nào đấy.

- Mẹ đâu không đi bán hả nhỏ?

- Mẹ con ở nhà chăm thằng Út. Nó cứ bệnh hoài, cực lắm.

Cũng hôm ấy, chị coi phim, thấy thằng nhóc dẫn đường trả lời nữ chính khi được hỏi, rằng, sống với mẹ khổ quá hả, rằng:

- Đâu có, không được sống với mẹ mới khổ!

Tự dưng chị nghĩ tới đứa con gái làm ếch ở chợ. Từng tuổi ấy, nó bặm môi chặt tay chặt chân con ếch, lí nhí cảm ơn khi trao bịch thức ăn đã được làm sạch cho người mua. Nó còn bé bỏng ngây thơ, nó hoàn toàn có quyền được sống hồn nhiên như một cô gái nhỏ, có người thân bên cạnh đỡ đần. Ba mẹ nó đâu?

Hỏi chính mình xong, chị tự trả lời, có khi ba nó lẩn khuất những cơn say, những chầu nhậu giỗ quảy, những dịp tụ tập đàn ông trong xứ tụ tập. Có khi, mẹ nó bất nhẫn đã bỏ đi, để mặc cha con sống ơ hờ với nhau trong căn nhà lợp lá dừa nước đã cũ kỹ đến độ mùa mưa thì dột lỏng tỏng xuống nền, ngày nắng những sợi màu vàng lỗ chỗ xiên qua lá, soi sáng những khuôn mặt người muộn phiền vì không thấy ngày mai. Có khi, nó phải tự gồng lên trước tuổi để cưu mang cái gánh nặng mang tên nheo nhóc cha mẹ để lại đây mà…

***

Nhà chủ ngọt nhạt ướm lời, chịu khó làm qua mùa tết, thì sẽ thưởng cho chị lương tháng mười ba. Hai bộ quần áo. Phong bao lì xì. Thêm một số thứ quà bánh lặt vặt để gởi về quê. Chỉ cần chị đừng có giở quẻ đòi về vào lúc năm cùng tháng tận. Họ đã từng bị người giúp việc phản phé nhiều lần rồi, ai cũng bảo, không vướng bận gì gia đình, nhưng cuối cùng thì vẫn cầm lòng chẳng đậu, tom góp về quê mất biệt, bỏ mặc nhà chủ xấc bấc xang bang khi năm hết tết đến. Chủ nhà hồ hởi khuyến dụ bằng một câu mang hơi hướm quảng cáo: Thử ăn tết thành phố một lần mà xem, chị sẽ phát mê ngay mà!

Lời đề nghị hấp dẫn nhiều hứa hẹn ấy làm chị giật mình nhiều hơn là choáng ngợp. Mới đó mà đã lại hết năm rồi. Chị còn gì ở quê đâu mà phải mong ngóng tha thiết cơ chứ! Lũ con hau háu chờ ăn chờ mặc mà lòng chị đã quyết dứt áo bỏ qua. Đứa con gái lớn với đôi mắt rười rượi trước tuổi. Ông chồng nghe đồn phong thanh là đã bớt nhậu nhẹt, bắt đầu chịu xách chài lưới đi kiếm mớ cá con cua hiếm hoi còn sót lại trên ruộng. Mọi thứ dần đổi khác, theo một chiều hướng nào đấy mà chính chị cũng không ngờ. Tiếc rằng cả chị nay cũng đã khác. Chị bắt đầu quen uống thứ nước đun sôi để nguội cất trong tủ lạnh mát rượi. Chị thích giặt đồ bằng máy, xài lò vi sóng, nấu bằng bếp ga nhanh và gọn tiện. Chị quen với những bữa cơm nhiều thức ăn, đủ đầy… Chị ngán ngại nghĩ tới căn bếp ám khói và lọ nghẹ của nhà mình, mấy đứa con nít lem nhem chỉ thích lặn hụp, lười đi học vì bị nhắc tiền trường đến hạn chưa kịp đóng, bàn tay thô xước chẳng quen cầm bút, cầm chì…

Vậy mà cuối cùng, chị vẫn thất hẹn, phụ lòng nhà chủ. Khi ngoài hẻm chợ mụ đàn bà kia bày bán mớ lá dong, lá chuối tươi xanh bóng rực dùng để gói bánh, hôm khác là mớ củ kiệu củ gừng làm mứt ngâm chua được đổ đầy trên phố, chị cũng trở nên yếu đuối và không hiểu nổi chính mình. Chị sàng soạn tom góp. Chị khấp khởi lo âu. Chị bất chấp món tiền thưởng đầy hứa hẹn. Chị ngồi lột hành chuẩn bị muối dưa cho chủ, hơi cay từ thứ củ khô ấy bay vào mắt mũi chị, ròng ròng, sụt sịt. Ở quê cuối năm không có người đàn bà trong nhà, chẳng biết thế nào…

Chị quay lại xứ vào đận tháng chạp. Gió chướng đã cuối mùa, thổi xơ xác những tàu lá khô lẫn tươi trong vườn nhà ai dọc xứ. Chuyến đò ngang vẫn bà lái đò năm trước, cặm cụi khua nước, dường như cũng đang vội vã trở về cái nếp nhà tranh tạm bợ của mình. Lủng củng dưới mái chèo là mớ mứt dừa dẻo, hoa vạn thọ cúng, miếng thịt đầu heo đợi làm giò làm chả cùng cặp bánh tét nhân chuối ngọt lừ có lấm tấm dăm hạt đậu đen đây mà. Năm hết tết đến bên bờ sông rồi. Mai vàng nhà ai đã lác đác nở sớm, vàng ngây ngất một màu sum họp.

Chị thấy mình nghẹn đi vì vội vã đường về.

Mẹ về khi mai nở ảnh 1Tôi muốn gọi truyện ngắn này là “Chị Dậu 2”. Dĩ nhiên, “chị” trong truyện ngắn này không có gì liên quan đến chị Dậu của Ngô Tất Tố ngoài việc nghèo và đặc biệt là: Khổ; và người chồng trong đây cũng không phải là một anh chồng hiền lành nhu nhược, mà là một anh chồng dường như là một trong những nguồn cội của nỗi khổ đó. Nhưng đây là một chị - Dậu - đương đại. Bởi vậy, nỗi khổ của chị không một chiều, nỗi khổ của chị rất khó nói, và cũng rất ít người hiểu nổi. Và chỉ là nhà văn, và cũng là một người đàn bà, như Hoàng My - mới có thể hiểu và nhẹ nhõm viết ra, như không. Nhà văn Hoàng My sống và làm việc trong lĩnh vực viễn thông, tại TP HCM.   

L.A.H

MỚI - NÓNG