Máy bay không gian không người lái Boeing X-37 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên bên ngoài bầu khí quyển Trái đất vào năm 2010 và được Bộ Quốc phòng Mỹ vận hành từ năm 2004 sau khi ban đầu được phát triển như một dự án của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Máy bay này được coi là một tài sản độc nhất của quân đội Mỹ, và hiện đang thực hiện chuyến bay vũ trụ thứ sáu với mục đích vẫn được bảo mật cao.
Liên Xô trước đây đã dẫn đầu thế giới trong việc phát triển máy bay không gian, với chiếc phi thuyền Buran của họ gần giống với X-37 được kỳ vọng là chiếc đầu tiên trong thế giới hoàn thành các sứ mệnh tương tự như chiếc máy bay không gian của Mỹ. Áp lực chính trị trong những năm 1980 cuối cùng đã dẫn đến việc Buran bị đình chỉ hoạt động và sau đó Nga thu hẹp các chương trình vũ trụ của Liên Xô, mở đường cho sự dẫn đầu của Mỹ.
Buran là máy bay không gian tái sử dụng đầu tiên trên thế giới có khả năng hạ cánh tự động khi quay trở lại quỹ đạo, và X-37 là chiếc thứ hai.
Ngày 22/5, Tổng giám đốc công ty công nghệ quốc phòng Nga Almaz-Antey, Yan Novikov, nói khả năng của X-37 và các máy bay khác dựa trên công nghệ tương tự có thể mang lại cho Mỹ lợi thế quyết định trong một cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai.
Ông nói về mối nguy hiểm tiềm tàng mà X-37 có thể gây ra: "Câu chuyện chính thức là những nền tảng này được phát triển cho mục đích khoa học và giám sát. Nhưng chúng tôi hiểu rằng với những năng lực và khả năng này, một con tàu vũ trụ nhỏ hơn có thể mang tới ba đầu đạn hạt nhân, loại lớn có thể mang đến sáu đầu đạn… Không nghi ngờ gì nữa, đây là một thách thức nghiêm trọng”.
Quân đội Mỹ cho biết có kế hoạch triển khai 8 máy bay vũ trụ tương tự vào năm 2025, và cùng với các nhiệm vụ tấn công hạt nhân, chúng có thể được sử dụng để vô hiệu hóa các vệ tinh của đối phương.
Liên Xô từ lâu đã đầu tư rất nhiều để chống lại các mối đe dọa từ độ cao lớn. Máy bay đánh chặn MiG-25 Foxbat của họ có thể hoạt động ở một mức độ hạn chế trong không gian ở độ cao hơn 35km và tiêm kích kế nhiệm là MiG-31 Foxhound không chỉ có thể hoạt động mà còn có thể khai hỏa tất cả vũ khí của mình trong không gian gần.
Sự sụp đổ của Liên Xô đã buộc Nga sau đó phải hủy bỏ chương trình đánh chặn MiG-31M do khủng hoảng kinh tế, mặc dù loại tiêm kích này đã hoàn thành thử nghiệm và sẵn sàng sản xuất hàng loạt. Nga hiện phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cấp MiG-31.
Các máy bay này được tích hợp một số công nghệ mới, nhiều công nghệ trong số đó có nguồn gốc từ MiG-31M, mặc dù khả năng đe dọa một máy bay như X-37 của chúng vẫn còn hạn chế.
Nga hiện đang phát triển hệ thống phòng không siêu vượt âm tầm xa S-500, thể hiện đây là một giải pháp thay thế rẻ hơn cho các máy bay đánh chặn để vô hiệu hóa máy bay và vệ tinh không gian.
Từ năm 2018, các máy bay MiG-31 cũng triển khai các tên lửa lớn mới, được chế tạo để vô hiệu hóa các mục tiêu trong không gian và Nga hiện đang phát triển một máy bay đánh chặn thế hệ tiếp theo để kế nhiệm MiG-31 Foxhound. Máy bay mới được nói là chủ yếu tập trung cho chiến tranh không gian.