Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt

TPO - Gặp nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt tại xưởng vẽ, anh bày la liệt mặt nạ bồi giầy, phết sơn ta, mặt nạ gốm. Anh tỉ mẩn xem lại từng tác phẩm trước khi tập hợp hơn trăm chiếc mặt nạ bày tại triển lãm Mặt khác - Otherwise.

Đến lúc trả lộc phố

Nghệ sĩ Đạt “rồ” (Đinh Công Đạt) lo khâu tạo hình hơn 150 mặt nạ bằng giấy bồi, sơn ta và mặt nạ gốm cho trưng bày Mặt khác vào ngày 13/9 tại Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm).

Sau 30 năm gắn kết thân thiết với nhau, ba nghệ sĩ hàng đầu ở lĩnh vực hội họa, văn chương và điêu khắc cảm thấy đến lúc phải cùng nhau làm một điều gì đó.

Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt đều có chỗ đứng vững chắc trong các lĩnh vực riêng, nhưng thách thức không nhỏ khi đưa họ vào chung một dự án. Cuối cùng họ tìm ra ngôn ngữ nghệ thuật chung. Đinh Công Đạt tạo hình mặt nạ để Lê Thiết Cương vẽ và viết, Nguyễn Việt Hà viết những triết lý, lập ngôn riêng.

Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 1

Nghệ sĩ Đinh Công Đạt tự tay tạo mặt nạ để đưa cho Nguyễn Việt Hà, Lê Thiết Cương viết và tự trang trí.

Không thể trông chờ vào mặt nạ giấy bồi chất lượng hàng chợ sẵn có, Đinh Công Đạt tự tay tạo khuôn âm để sau khi bồi hàng chục lớp, gương mặt vẫn sắc nét.

Anh phải "lôi" hai ông bạn thân ngồi riêng đôi ba bữa nhậu mới có thể tạo hình gương mặt của họ. Riêng gương mặt của khổ chủ, Đinh Công Đạt thả thêm chút nữ tính mềm mại hơn, thêm chút nhấn nhá khi đặt cạnh Nguyễn Việt Hà và Lê Thiết cương.

Những quan điểm, suy tư của họ đều xuất phát từ Hà Nội. Không đơn giản chỉ là “những con phố với những buổi chiều mưa phùn giăng mìn mịn”, phố dài bao nhiêu, phố được thiết kế thế nào, lịch sử hình thành ra sao…. bộ ba “giai phố cổ” quan tâm hơn cả là con người và số phận gắn với từng con phố.

Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 2Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 3Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 4

Nghệ sĩ Đinh Công Đạt hy vọng các nghệ nhân, làng nghề đầu tư nghiêm túc làm mặt nạ để bán cho du khách quốc tế.

Đinh Công Đạt bảo họ sinh ra và lớn lên ở phố, được ăn lộc phố rồi đến lúc phải trả nợ những con phố đã “dung dưỡng” họ. Thông qua ba loại hình khuôn mặt, ba chất liệu và ba hình thức thể hiện, Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt đã truyền tải thông điệp về thành phố theo cách riêng nhưng cùng chung quan điểm “Hà Nội là sự tinh tế và lịch lãm, và sẽ mãi mãi tồn tại”.

Ba cá tính là ngoại lệ của nhau

Hỏi vui Đinh Công Đạt rằng làm thế nào để anh thuyết phục hai cá tính Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà chấp nhận mang gương mặt ra làm khuôn mặt nạ để viết và vẽ rồi trưng bày, anh cười vì họ “chịu đựng và nuông chiều” nhau.

Chẳng hạn Lê Thiết Cương không hút thuốc nhưng chiều bạn, chấp nhận ngồi hàng giờ đồng hồ trong bầu không khí đặc quánh khói thuốc của Việt Hà và Đinh Công Đạt.

Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 5Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 6Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 7

Mặt phố của nhà văn Nguyễn Việt Hà.

“Đã là bạn, thường chiều nhau, thậm chí nhiều lúc còn nâng niu nhau. Vì thế, hạnh phúc nhất là khi được bạn ép. Được chơi cùng bạn bất cứ trò gì, luôn là niềm vui khôn tả”, nhà văn Nguyễn Việt Hà nói.

Họa sĩ Lê Thiết Cương bảo muốn có bạn thì phải chơi được, học được, phải dung được cái khác thậm chí phải chịu được nhược điểm của họ.

“Cái khác nghề cũng là một chất keo gắn kết để chúng tôi là bạn. Đành rằng cũng là nghệ sĩ nhưng ông văn, ông tượng, ông họa, mỗi người một trường - nghề, trường - chuyện để có thể bền chuyện”, anh nói. Sự trái ngược tính nết đôi khi chính là sự bù trừ lẫn nhau, gắn kết họ với nhau. Ba nghệ sĩ “là ngoại lệ” của nhau là vì thế.

Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 8Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 9

Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ và viết kinh Phật trên mặt nạ giấy và gốm.

Mặt nạ của Nguyễn Việt Hà gắn với “Mặt phố”. Nguyễn Việt Hà không bao giờ hết hào hứng hay hết ám ảnh với các con phố và những con người, cuộc sống xung quanh phố. Đinh Công Đạt nhận định tác giả Con giai phố cổ coi “vỉa hè là tín ngưỡng”.

Việt Hà viết những câu lập ngôn: “Giọng của phố giờ đây khẽ tới mức như mong manh sắp mất”, “Quà Hà Nội ngon nhất, lạ nhất vẫn phải là hàng rong” hay trích dẫn từ tác phẩm nổi tiếng trong nhiều tác phẩm anh đã xuất bản: “Sự cùng quẫn cuối cùng của con người là cơ hội của Chúa”.

Tuổi thơ của Lê Thiết Cương gắn với phố Lý Quốc Sư, nhà anh gần ngôi chùa Lý triều Quốc Sư, anh lại chọn viết kinh Phật lên mặt nạ. Vì thế “Mặt chùa” được dùng để nhận diện Lê Thiết Cương với những câu: “bình thường tâm thị đạo”, “cư trần lạc đạo thả tùy duyên”, “mặc như lôi”, “ngũ uẩn giai không”.

Mặt khác của 'giai phố cổ' Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt ảnh 10

Bộ ba giai phố cổ Nguyễn Việt Hà, Đinh Công Đạt và Lê Thiết Cương (từ trái qua) lần đầu làm chung dự án nghệ thuật.

Đinh Công Đạt chọn “Mặt chợ” một phần vì chất Kẻ Chợ ngấm trong máu, tuổi thơ anh chứng kiến mẹ mình buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Anh chọn những mảng màu quen thuộc trang trí mặt nạ và yết tên những con phố, hàng quán và món ăn đặc trưng Hà Nội lên đó như ốc luộc, bún mọc chợ Gạo, lòng lợn chợ Gạo, xôi vò, xôi gà Bát Đàn…

Bộ ba nghệ sĩ thấm đẫm chất phố cổ Hà Nội chọn cách tôn vinh những con phố và tôn vinh Hà Nội một cách đầy truyền thống, bởi tự con phố đã ôm ấp hết thảy những giá trị lịch sử, văn hóa và đời sống nên họ không cần thiết phải sáng tạo hay làm điều gì phá cách.

Đinh Công Đạt kỳ công làm khuôn mặt nạ mà phải là khuôn âm để tạo ra độ sắc nét nhất cho ba gương mặt. Anh chọn mặt nạ giấy bồi, phết sơn ta và gốm cũng đều là những chất liệu gắn với làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Trong khuôn khổ triển lãm, Đinh Công Đạt đau đáu làm một workshop để trò chuyện về nghề truyền thống, cụ thể là nghề làm mặt nạ gần như mai một. Anh cẩn thận thửa sẵn mấy chiếc khuôn để tặng lại các gia đình muốn biến mặt nạ thành mặt hàng thủ công tinh tế, giàu tính thẩm mỹ làm quà tặng cho khách quốc tế.

Tin liên quan