Nguyễn Quang Thiều nhớ Nguyễn Tiến Thanh thời trẻ ‘đọc thơ như điên’

TPO - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - bất ngờ khi đọc "Viễn ca" của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh. Hai người từng có thời gian sinh hoạt chung trong CLB thơ, cùng nhau đi khắp nơi "đọc thơ như điên".

Sau các tập thơ Loạn bút hànhChiều không tên như vết mực giữa đời, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh - Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục - ra mắt tập thơ thứ 3 lấy tên là Viễn ca.

Cuộc gặp gỡ, giao lưu ra mắt thơ của ông tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) thu hút đông đảo tên tuổi lớn trên văn đàn cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người yêu mến thơ.

Viễn ca gồm 39 bài thơ được tác giả viết trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tập thơ giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, nét khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh. Nhiều suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu khi vào tuổi trung niên được thể hiện trong tác phẩm.

Nguyễn Quang Thiều nhớ Nguyễn Tiến Thanh thời trẻ ‘đọc thơ như điên’ ảnh 1
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh gây bất ngờ với tập Viễn ca.

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh từng học Khoa Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp. Ra trường, ông được giữ lại giảng dạy thời gian ngắn rồi gắn bó với sự nghiệp làm báo.

"Đi làm báo, tôi bị quăng quật với đời nhiều quá nên cũng không có thời gian sáng tạo thơ ca. Viễn ca là chặng đường con người phải đi qua trong hành trình số phận của mình. Trên hành trình đó bắt gặp nhiều phong cảnh, tôi ghi lại những cảnh đó bằng ngôn từ và cảm xúc", ông tâm sự.

PGS.TS. Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV Hà Nội - nhớ lại thời giảng dạy từng chấm bài thi văn nhuần nhị, tài hoa khi ráp phách biết có người tên Nguyễn Tiến Thanh. Từ đó ông bắt đầu để ý đến con người và thơ ca của Nguyễn Tiến Thanh.

Sau 30 năm làm báo, bước sang làm công việc khác nên Nguyễn Tiến Thanh tự nhủ "cũng phải thay đổi". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - từng sinh hoạt trong CLB thơ Thanh Xuân cùng Nguyễn Tiến Thanh, Sĩ Đại, Tấn Việt... Ông bày tỏ bất ngờ khi đọc tập thơ Viễn ca.

"Hồi đó anh Thanh trẻ, lãng tử và cùng chúng tôi đi khắp nơi đọc thơ như điên. Có thời gian thơ ca rời bỏ anh, nhưng gần đây đã trở lại. Từ thời sinh viên, những năm 1984-1988, anh vẫn viết lục bát, thơ có vần, năm chữ. Thơ Nguyễn Tiến Thanh bây giờ có những thay đổi như có trầm bên trong", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Nguyễn Quang Thiều nhớ Nguyễn Tiến Thanh thời trẻ ‘đọc thơ như điên’ ảnh 2
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại buổi ra mắt tác phẩm Viễn ca.

Ông cứ ngỡ khi người bạn văn chuyển sang công tác quản lý sẽ quên mất thơ ca. Nhưng vào một ngày mùa thu, Nguyễn Tiến Thanh xuất hiện trở lại trong một tinh thần khác. Thơ ông đến một giai đoạn và nhịp điệu khác.

"Viễn ca có nhiều bài thơ lục bát khiến tôi nghĩ tới hình ảnh cây trầm. Lá vẫn vậy, cây vẫn vậy nhưng trong ruột cây làm nên hương trầm tích lũy. Thơ Nguyễn Tiến Thanh cũng như chính tác giả. Đi qua cuộc đời này, những buồn vui, cảm hứng, con mắt mở rộng để nhìn đời sống này mang lại cho anh những trải nghiệm, tích lũy và làm thơ hay hơn...", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ kể hai bài thơ đầu tiên của tác giả Nguyễn Tiến Thanh mà anh đọc được là Điều đó dĩ nhiên rồiViết cho đôi mắt đen. Hai bài thơ ấy có giọng điệu thơ khác hẳn với các bài thơ cùng thời trên các báo Hoa học trò, Áo trắng...

"Tôi đã thuộc lòng bài thơ một cách dễ dàng. Giọng thơ say đắm tha thiết, ngôn ngữ lung linh ảo diệu, nhạc điệu ngân nga", nhà phê bình Đỗ Anh Vũ bày tỏ.

MỚI - NÓNG