TPO - Sáng 28/8, sự kiện công bố kết quả hồi hương cổ vật tượng nữ thần Durga và lễ khai mạc trưng bày Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội).
Cổ vật tượng nữ thần Durga là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay, từng bị buôn bán trái phép vào Hoa Kỳ. Sáng 28/8, cổ vật quý hiếm lần đầu được công bố trước công chúng.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn khẳng định Bảo tàng đã tiếp nhận và lưu giữ hàng nghìn cổ vật, trong số đó có những cổ vật được hồi hương. "Việc tiếp nhận tượng đồng nữ thần Durga từ phía Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là kết quả của quá trình hợp tác, chia sẻ các tư liệu pháp luật liên quan đến việc chống buôn bán trái phép cổ vật của Việt Nam với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh", TS. Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, các quốc gia sẽ tích cực hợp tác với các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL trong việc nhận diện, đàm phán và đưa những cổ vật Việt Nam đã bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp về nước. Lãnh đạo Bộ VHTTDL đề cập việc tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa.
Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã phối hợp với Cảnh sát đô thành London (Vương quốc Anh) tịch thu tượng đồng nữ thần Durga từ một vụ điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp. Tháng 8/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin cho Bộ VHTTDL về sự việc. Đầu năm 2024, đoàn công tác của Bộ VHTTDL chuẩn bị thủ tục bàn giao và đóng gói cổ vật tượng đồng nữ thần Durga từ Vương quốc Anh về Việt Nam. Ngày 18/6, pho tượng về tới Việt Nam.
Tượng đồng nữ thần Durga bốn tay là pho tượng cổ, có nguồn gốc Việt Nam với thể khối lớn (dài 191 cm, nặng 101 kg), thể hiện hình tượng nữ thần Durga của Hindu giáo. Hiện vật được tạo tác với khuôn mặt hình trái xoan, hai mắt nhắm hờ, sống mũi cao, miệng mím, cằm tròn, bụng thắt dây buộc tạo hình hoa.
Các chuyên gia nghiên cứu xác định tượng đồng nữ thần Durga mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc Champa giai đoạn sớm (thế kỷ VII), có mối giao lưu, ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc của Văn hóa Óc Eo giai đoạn muộn.
Đây là hiện vật quý hiếm có thể khối lớn, niên đại sớm và hiện trạng còn tương đối hoàn chỉnh.
Tượng đồng nữ thần Durga có nguồn gốc Việt Nam, với thể khối lớn.
Sáng 28/8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian giới thiệu một số loại hình hiện vật đặc sắc chất liệu vàng, bạc của văn hóa Champa có niên đại thế kỷ 17-18. Đây là giai đoạn lịch sử, văn hóa Champa ít được biết tới. Vương quốc Champa phát triển hưng thịnh nhất vào các thế kỷ thứ 9-10, 11-12. Sau thế kỷ 15, do những thăng trầm lịch sử, trung tâm của vương quốc Champa dịch chuyển dần về phía Nam, theo đó, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Champa cũng có nhiều biến đổi, mang những sắc thái mới.
Hiện vật trang trí hình thần Shiva và chim thần Garuda được làm bằng vàng và đá quý.
Mũ trang trí Makara và cánh hoa (niên đại thế kỷ 17-18).
Mặt dây chuyền trang trí hình thần Shiva - một trong ba vị thần lớn nhất của Hindu giáo.
Thắt lưng có hoa văn đặc sắc.
Một số loại hình hiện vật đặc sắc chất liệu vàng, bạc của văn hóa Champa. Văn hóa Champa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Java, với những sáng tạo riêng biệt đã tạo nên những phong cách nghệ thuật đặc sắc, đỉnh cao như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm...
Du khách chiêm ngưỡng các hiện vật quý tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
TS. Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - chia sẻ về những giá trị của báu vật Champa.