Mảng màu tươi sáng ở huyện nghèo Đam Rông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Huyện Đam Rông, Lâm Đồng có tới 65% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những huyện nghèo nhất nước. Thế nhưng thời gian gần đây, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện này đã có nhiều mảng màu tươi sáng.
Mảng màu tươi sáng ở huyện nghèo Đam Rông ảnh 1

Dây chuyền sơ chế chuối Laba để xuất khẩu sang Nhật Bản

Theo ông Trương Hữu Đồng, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã bố trí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hơn 85 công trình, dự án cơ sở hạ tầng nông thôn; từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện tập trung thực hiện suốt thời gian qua với nhiều giải pháp mang tính lâu dài và đột phá: Hỗ trợ vốn, kỹ thuật để hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Cụ thể, huyện đã phân bổ kịp thời cho các cơ quan, đơn vị trên 17,1 tỷ đồng để triển khai 7/10 dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, dáng vóc người dân tộc thiểu số.

Năm nay, huyện Đam Rông được phân bổ kinh phí 2 tỷ đồng thuộc chương trình sự nghiệp nông nghiệp để thực hiện 9 mô hình sản xuất nông nghiệp tại các xã. Tiêu biểu là các mô hình trồng dâu nuôi tằm, cây mắc ca xen vườn cà phê, trồng cây dứa trên đất dốc, ghép cải tạo vườn cà phê kém hiệu quả... Hiện Trung tâm Nông nghiệp huyện đang giải ngân thực hiện mô hình Kinh tế vườn hộ kiểu mẫu tại các xã Đạ M’rông và Đạ Tông.

Mảng màu tươi sáng ở huyện nghèo Đam Rông ảnh 2

Chất lượng kén tằm ở Đam Rông khá cao

Trung tâm Nông nghiệp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật bảo vệ thực vật trong trồng trọt và thú y trong chăn nuôi nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong sản xuất của người dân.

Cũng trong năm 2022, 627 hộ nghèo và cận nghèo ở các xã vùng III thuộc huyện Đam Rông đăng ký thoát nghèo. Đến nay, hầu hết các hộ này đều được sự hỗ trợ vốn từ số tiền khoảng 10 tỷ đồng do UBND huyện phân bổ và từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nhờ chuyển đổi từ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp Đam Rông đã hình thành những vùng định canh ổn định sản xuất hàng hóa nông sản cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.

Huyện tập trung phát triển nhanh về diện tích, sản lượng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, dâu tằm, cây ăn quả…; đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả (lúa một vụ, cà phê già cỗi) sang trồng các loại cây khác, góp phần giảm diện tích canh tác kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha/năm).

Các xã chú trọng hỗ trợ nông dân về các biện pháp thâm canh; tuyển chọn cây con giống (cà phê, sầu riêng, ca cao, dâu tằm, giống lợn, bò...) phù hợp với chất đất, khí hậu từng vùng; hỗ trợ các nông cụ (máy cắt cỏ, máy xịt thuốc, máy tưới nước...); qua đó, giúp hộ nghèo, cận nghèo thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất, sớm ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đam Rông cũng rất chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân thông qua mô hình liên kết. Đến nay, toàn huyện đã hình thành và hoạt động hiệu quả 11 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vốn là thế mạnh của địa phương như dâu tằm, chuối Laba, sầu riêng, mắc ca, rau thương phẩm…

Mảng màu tươi sáng ở huyện nghèo Đam Rông ảnh 3
Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

UBND huyện Đam Rông còn hỗ trợ xây dựng hơn 100 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị trên 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho trên 38.700 đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều dự án đầu tư cùng các chương trình hoạt động xóa đói giảm nghèo, sự chung tay hỗ trợ của xã hội và nỗ lực vượt khó của người dân, số hộ nghèo giảm đáng kể.

Cuộc khảo sát gần đây nhất của huyện cho thấy 875 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo vào cuối năm 2022.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.