Không phải chỉ hộ nghèo mới được vay vốn 'xóa đói giảm nghèo'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nguồn vốn “xóa đói giảm nghèo” không chỉ được thực hiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn của TPHCM mà còn được thực hiện rộng khắp cả nước, mỗi khi các địa phương gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM khi đề cập đến chương trình cho vay xóa đói giảm nghèo tại TPHCM.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 2/11, ông Lệnh cho biết, chương trình trên được khởi xướng đầu tiên tại TPHCM. Sự sáng tạo và tiên phong đó mang lại mô hình cho vay ưu đãi người nghèo và trở thành chương trình tín dụng chính sách được thực hiện rộng khắp cả nước, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và nhân văn.

Đối với Thành phố, chương trình này, cùng với những hoạt động thiện nguyện khác như chia sẻ khó khăn với người nghèo; mang Tết đến cho người nghèo; hỗ trợ bảo hiểm khám chữa bệnh; tiền điện, nước; trợ cấp khó khăn; xây nhà tình nghĩa; cùng em đến trường… và hàng loạt các chương trình được Ủy ban MTTQ TPHCM; ban dân vận; các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức đã tạo ra nguồn lực to lớn để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế có điều kiện cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn, bảo đảm học tập và giải quyết việc làm… thoát nghèo và có được cuộc sống bình an và phát triển.

Không phải chỉ hộ nghèo mới được vay vốn 'xóa đói giảm nghèo' ảnh 1

Người dân được hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội

“Ngày nay, hoạt động này không chỉ được thực hiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn của thành phố mà còn triển khai rộng khắp cả nước, mỗi khi các địa phương gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tất cả những điều đó đã tạo nên giá trị thương hiệu của TPHCM, thành phố nghĩa tình, mà điểm khởi đầu đó là chương trình cho vay xóa đói giảm nghèo vẫn còn nguyên giá trị và đang được tổ chức triển khai thực hiện ở mức độ cao hơn, chuyên nghiệp và mang lại giá trị to lớn hơn trước yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững và tăng trưởng chất lượng. Những dấu ấn nổi bật của chương trình trong 20 năm qua cần được tiếp tục phát huy” – ông Lệnh nói.

Theo ông Lệnh, khởi đầu của chương trình cho vay xóa đói giảm nghèo do các ban xóa đói giảm nghèo các cấp của thành phố triển khai thực hiện từ năm 1994, đến năm 2015 quỹ xóa đói giảm nghèo này được bàn giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố quản lý và thực hiện, với tổng dư nợ tại thời điểm bàn giao đạt 213 tỷ đồng. Đây là chương trình hoạt động hiệu quả, nhờ việc cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo của Thành phố.

Sau 6 năm nhận bàn giao quỹ xóa đói giảm nghèo thành phố, tổng doanh số cho vay đạt 2.937 tỷ đồng, với 98.650 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo thành phố được vay vốn. Đến nay, dư nợ chương trình đạt 1.337 tỷ đồng, tăng 6,3 lần so với năm 2015 và chiếm 17,8% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố.

Không phải chỉ hộ nghèo mới được vay vốn 'xóa đói giảm nghèo' ảnh 2

Về hiệu quả của chương trình – ông Lệnh cho rằng, nợ quá hạn chương trình thấp, chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ của chương trình. Điều này phản ánh nguồn vốn vay được sử dụng và phát huy hiệu quả, người vay vốn sử dụng vốn để làm ăn, có thu nhập, cải thiện được đời sống, giảm nghèo, thoát nghèo và trả được nợ vay cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố.

Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội nói chung và cho vay xóa đói giảm nghèo nói riêng đã đến tất cả các khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trên toàn thành phố, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần phát triển ngành nghề, sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động. Đời sống các hộ nghèo ngày càng cải thiện tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội – lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM khẳng định.

MỚI - NÓNG