Du lịch “xanh”
Măng Đen có nhiều lợi thế để phát triển loại hình xanh mà hiếm nơi có được khi nằm ở độ cao trung bình 1.000m - 1.500m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 16-22oC, độ ẩm trung bình 82-84%. Hơn cả, Măng Đen có rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh với độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên. Không chỉ vậy, vùng đất này còn có các hồ thác nổi tiếng như thác Đăk Ke, Pa Sỹ, Lô Ba; hồ Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô. Đấy là chưa kể những suối đá và cảnh quan thiên nhiên, hệ động vật, thực vật quý hiếm sinh sống phong phú. Với những lợi thế đó hoạt động du lịch tham quan khám phá thiên nhiên, tìm hiểu hệ sinh thái, các tour xe đạp, xe máy, trekking, camping, chèo thuyền sub trên hồ, sông… đã được phát triển ở Măng Đen.
Thị trấn Măng Đen |
Hoạt động du lịch trải nghiệm nông nghiệp không còn xa lạ, nhưng đến với Măng Đen sẽ khác vô cùng với những điều đặc biệt. Du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm làm nông dân chính hiệu qua các hoạt động: trồng, chăm sóc cây và thu hoạch quả. Du khách có thể trở thành những cô thôn nữ trong trang phục người địa phương đi bẻ măng, gieo mạ hay hóa thân làm những người nông dân thu hoạch cà chua, dâu tây. Hiện nay, nhiều trang trại Măng Đen trở thành điểm thu hút khách trải nghiệm như Happy Vegi, Ê Ban farm, Thiện Mỹ farm, Orfarm, Family farm và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen; các làng văn hóa với hoạt động du lịch nông nghiệp cho du khách như: Kon Pring, Kon Tu Rằng, Vi Rơ Ngheo, Vi ÔLắc…
Bảo vệ môi trường
Các em nhỏ thích thú với những quả dâu tây trên Măng Đen |
Cũng như nhiều địa phương khác, Măng Đen luôn ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch. Do đó UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 534/KH-UBND, ngày 21/4/2017 về xây dựng mô hình Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh trong phát triển du lịch sinh thái Măng Đen; Quyết định số 410/QĐ-UBND, ngày 25/5/2018 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tại Vùng du lịch sinh thái Măng Đen; Huyện ủy Kon Plông ban hành Kế hoạch số 39-KH/HU, ngày 22/7/2021 về chỉnh trang vỉa hè, trồng cây xanh các tuyến đường khu Trung tâm hành chính huyện năm 2021 và giai đoạn năm 2022- 2025; Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 14/1/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 19/7/2022 về bảo tồn và phát triển các loài lan rừng giai đoạn 2022-2025 để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời huyện chú trọng trang bị các phương tiện, kỹ thuật hỗ trợ hoạt động thiết yếu công tác môi trường đô thị, thu gom xử lý rác thải.
Giờ đây, đến Măng Đen không khó để bắt gặp các hình ảnh về thanh niên, học sinh, công nhân môi trường thường xuyên tổ chức các hoạt động nhặt rác, thu gom rác với nhiều chủ đề như: “Vì một Măng Đen xanh - sạch - đẹp”, “Thứ 7 Măng Đen xanh”. Măng Đen đã đảm bảo 100% điểm du lịch, tuyến đường được bố trí nhiều thùng rác. Các chương trình tuyên truyền, vận động người dân trong việc giữ gìn vệ sinh thôn, làng, trồng hoa, trồng cây để xây dựng cảnh quan được thực hiện.
Tại Măng Đen, 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn…) được yêu cầu cung cấp Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch để nhân viên, khách du lịch nắm và thực hiện. Bên cạnh đó nhiều chương trình truyền thông về việc giữ gìn môi trường cũng được xây dựng. Từ đây đã hình thành ý thức cho cả người dân và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường. Còn tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, homestay, quán cafe các vật dụng bằng nhựa được thay thế bằng chất liệu thủy tinh, túi vải, các vật dụng tái chế.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Mái nhà rông tuyệt đẹp bên hồ nước ở Măng Đen |
Với tiềm năng, lợi thế đặc biệt của mình, huyện Kon Plông đang không ngừng nỗ lực phát triển mạnh ngành du lịch.
Hiện nay Kon Plông đã phát triển được một số sản phẩm du lịch (sinh thái, tham quan dã ngoại, du lịch văn hóa, cộng đồng...) và một số sản phẩm đặc trưng của huyện, bổ trợ cho phát triển du lịch (cá tầm, rau, hoa, quả xứ lạnh, rượu vang sim, sâm dây, gạo đỏ, tiêu rừng…). Để đẩy mạnh phát triển vùng du lịch sinh thái, huyện Kon Plông xác định tiếp tục phát triển du lịch trên địa bàn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 298/QĐ-TTg, ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030.
Theo đó, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở ngành của tỉnh, của các Bộ ngành Trung ương điều chỉnh quy hoạch vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đảm bảo tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển trong dài hạn.
Rà soát, lập mới quy hoạch các khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là hệ sinh thái rừng, mặt nước, đặc trưng khí hậu, cảnh quan, địa hình và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; quy hoạch các khu vui chơi giải trí, mua sắm thương mại đa chức năng; kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh với Măng Đen.
Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Đồng thời tập trung hỗ trợ, khuyến khích các làng dân tộc thiểu số bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng; hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để tạo ra sản phẩm phong phú, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch.
Cuối tháng 4/2022, Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng”. Tại đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, có 2 điều cơ bản, quan trọng mà Kon Tum đã hội tụ đủ trong làm du lịch. Thứ nhất, tỉnh có đầy đủ yếu tố về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Thứ hai, người Kon Tum thật thà, cần cù, thân thiện, nghĩa tình; từ già làng, trưởng bản, nghệ nhân văn hóa đến các em nhỏ người đồng bào “đẹp như búp măng rừng, tinh khiết như nước suối”. Ông khẳng định, họ sẽ là người dệt nên văn hóa, sáng tạo sản phẩm du lịch mang dấu ấn đặc sắc.