Trao đổi với Tiền Phong, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2018 đến tháng 8/2023, có 222 người làm việc tại các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; 173 người làm việc tại các công ty TNHH MTV lâm nghiệp và 6 kiểm lâm xin nghỉ việc.
Nhân viên kiểm lâm nghỉ việc hàng hoạt khiến các chủ rừng ở Kon Tum thiếu hụt nhân lực trầm trọng |
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho rằng, công việc bảo vệ rừng thường nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh. Thế nhưng công việc này chưa được quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng địa bàn quản lý là 24/24 giờ nhưng chỉ được hưởng lương 8h/ngày.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Lê Văn Thoan - Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Kon Plông khẳng định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều nhân viên bảo vệ rừng tại công ty bỏ việc là do lương thấp nhưng chuyên môn nhiều, áp lực cao và trách nhiệm lớn.
“Bên cạnh đó, nhân viên phải trực gác rừng nơi hẻo lánh, ít có thời gian gần nhà, chăm sóc gia đình…Nhiều trường hợp trong thời gian công tác, còn bị lâm tặc khủng bố qua gọi điện thoại, nhắn tin hù doạ nhiều ngày”, ông Thoan cho hay.
Đa số nhân viên nghỉ việc vì công việc vất vả, áp lực trách nhiệm nhưng lương và chế độ chưa thoả đáng |
Trước tình trạng này, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán rừng và đất lâm nghiệp để người lao động nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nhằm phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập để gắn bó với rừng, yên tâm công tác.
Theo đó, toàn tỉnh Kon Tum hiện có 103 địa bàn có rừng nhưng chỉ có 90 kiểm lâm địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, theo nghị định của Chính phủ quy định, mỗi địa bàn có rừng sẽ do một kiểm lâm địa bàn phụ trách.