Hơn 2.300 kiểm lâm, bảo vệ rừng nghỉ việc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, do mức lương không đảm bảo cuộc sống nên từ năm 2020 đến hết tháng 7/2022, ngành lâm nghiệp có gần 850 công chức, viên chức, người lao động và khoảng 1.500 người trong lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nghỉ việc.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian qua, tình trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ngày càng phổ biến. Nguyên nhân do chính sách và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nhiệm vụ như thường xuyên ở xa nhà nhiều tháng, lương thấp…, trong khi công việc ngày càng chịu nhiều áp lực.

Cụ thể, theo định mức bảo vệ rừng, trường hợp tính đúng tính đủ cho lực lượng bảo vệ rừng khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, mức hỗ trợ bảo vệ rừng thực tế hiện nay, đối với bảo vệ rừng đặc dụng chỉ khoảng 100 nghìn đồng/ha/năm; khoán bảo vệ rừng bình quân 300 nghìn đồng/ha/năm. Còn tại các xã khu vực II, III là 400 nghìn đồng/ha/năm; khu vực ven biển là 450 nghìn đồng/ha/năm.

Hơn 2.300 kiểm lâm, bảo vệ rừng nghỉ việc ảnh 1

Mức lương thấp đang khiến hàng nghìn cán bộ kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng nghì việc

Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, từ năm 2020 đến hết tháng 7/2022, trong hệ thống của ngành có 847 người nghỉ việc (trong đó công chức 525 người, viên chức 112 người, lao động hợp đồng 210 người), trong đó năm 2020 - 2021 là 599 người, năm 2022 là 248 người.

Còn đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, từ năm 2020 đến hết tháng 7/2022 có 1.474 người nghỉ việc (công chức 3 người, viên chức 487 người, lao động hợp đồng 984 người), trong đó năm 2020 - 2021 là 1.021 người, năm 2022 là 453 người.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trước yêu cầu mới về phát triển rừng, việc bảo vệ rừng hiện nay cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn thể xã hội. Trong đó, cần triển khai các giải pháp về việc hỗ trợ kinh phí, đặc biệt nâng mức kinh phí hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

“Việc đề xuất tăng mức kinh phí bảo vệ và phát triển rừng là cần thiết, trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo các định mức; có đủ căn cứ, cơ sở thực tiễn để đảm bảo hỗ trợ bảo vệ rừng. Phía Tổng cục đang đề nghị nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nâng mức bảo vệ và phát triển rừng”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị.

MỚI - NÓNG