Lương nhân viên y tế, giáo dục thấp, cần sớm cải cách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nêu thực trạng lương nhân viên y tế, giáo dục hiện còn thấp, dẫn đến tình trạng nghỉ việc hàng loạt vừa qua, đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo qua Zalo, Facebook

Chiều 9/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2022.

Báo cáo do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đau xót trước hy sinh của 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khi tham gia cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke ở Hà Nội và kiến nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC.

Lương nhân viên y tế, giáo dục thấp, cần sớm cải cách ảnh 1

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Cử tri và nhân dân cũng đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; hoạt động vay tiền qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh gây nên tình trạng mất ổn định ANTT; nhiều đối tượng lợi dụng giả danh lừa đảo qua điện thoại, gây tâm lý hoang mang cho người dân và bất ổn xã hội. “Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua Zalo, Facebook, điện thoại vẫn còn xảy ra”, ông Bình nêu.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn lo lắng về việc quy hoạch xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành còn bất cập; hàng ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bị "bỏ hoang" nhiều năm gây lãng phí; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như vàng SJC với thương hiệu vàng khác mang lại tâm lý bất ổn cho người dân…

Qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3 của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.029 kiến nghị của cử tri, đã kịp thời rà soát, chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong tháng 7 có chiều hướng giảm so với tháng 6/2022.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình khiếu kiện đông người vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở một số địa phương thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, tháo dỡ hàng trăm công trình xây dựng trái phép. Theo tổng hợp từ Công an các địa phương có nổi lên 8 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về ANTT.

Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan theo hướng tăng nặng chế tài xử lý, đảm bảo tính răn đe, khắc phục tình trạng sản xuất thực phẩm bẩn, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là việc sản xuất thuốc chữa bệnh giả...

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC; có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua Zalo, Facebook, điện thoại…

Đề nghị nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị quan tâm đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, nổi lên ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, cộng với các dịch bệnh khác đang nổi lên, như đậu mùa khỉ, cúm A... dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở 2 năm qua chịu áp lực lớn, tình trạng y tế công lập tuyến huyện, xã xin nghỉ việc tương đối nhiều. Ông Tùng viện dẫn báo cáo gần nhất của Công đoàn y tế, 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có gần 10 nghìn viên chức y tế xin nghỉ việc.

"Có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên vấn đề lớn là chế độ lương, phụ cấp đối với nhân viên y tế thấp, chưa thỏa đáng", ông Tùng nêu, và đề nghị công đoàn y tế đề xuất sửa đổi chế độ, nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn, tính đúng tính đủ hơn giá dịch vụ y tế, xem xét điều chỉnh mức định biên y tế cơ sở.

Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng băn khoăn khi mức thu nhập của giáo viên mầm non cũng rất thấp. Do hiện nay tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, ông kiến nghị tới đây phải tập trung thực hiện chính sách cải cách tiền lương, giải quyết cho cán bộ công chức viên chức, đặc biệt đối tượng đang nhận mức lương thấp hiện nay.

MỚI - NÓNG