Lúng túng dạy học tích hợp

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều giáo viên nói đang gặp không ít khó khăn, bất cập khi dạy các môn tích hợp cho học sinh lớp 6
Nhiều giáo viên nói đang gặp không ít khó khăn, bất cập khi dạy các môn tích hợp cho học sinh lớp 6
TP - Sau gần 1 tháng dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 năm học 2021-2022, nhiều giáo viên dạy các môn tích hợp Lịch sử & Địa lý và Khoa học tự nhiên (KHTN) đang rất lúng túng, không biết phân chia việc kiểm tra, đánh giá ra sao.

Theo lộ trình, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, SGK với học sinh lớp 6. Một trong những điểm mới là xuất hiện 2 bộ môn tích hợp gồm Lịch sử & Địa lý và KHTN (Vật lý - Sinh học - Hóa học).

Vướng mắc

Cô Bùi Hồng Huệ, giáo viên dạy Địa lý, Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nói rằng, chương trình, SGK mới kiến thức khá độc lập, chỉ có một phần rất nhỏ liên quan đến nhau, nên giáo viên tự trao đổi trước giờ dạy. Còn lại, hai giáo viên vẫn đứng lớp theo mảng kiến thức của môn học. Vấn đề bất cập hiện nay là yêu cầu hết học kỳ I, hai phân môn phải hoàn thành kế hoạch dạy học cùng một lúc, do đó gây khó khăn cho sắp xếp thời khóa biểu.

Ngoài ra, dù giáo viên dạy học riêng rẽ như 2 môn học độc lập, học sinh ghi bài vào 2 quyển vở khác nhau, nhưng chỉ có 1 đầu điểm khi kiểm tra cuối kỳ. “Hiện nay, giáo viên được hướng dẫn sẽ thiết kế câu hỏi 50% kiến thức Địa lý, 50% kiến thức Lịch sử.

Khi chấm bài, giáo viên môn này chấm xong lại chuyển sang cho giáo viên môn kia chấm tiếp. Một năm học có 5 đầu điểm gồm kiểm tra 15 phút, 1 tiết, bài thực hành…, nếu chỉ lấy 1 đầu điểm, giáo viên không rõ sẽ lấy điểm ở môn nào. Do đó, các cô đang tạm thời đánh giá thường xuyên vào sổ điểm cá nhân để chờ hướng dẫn”, cô nói.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với giáo viên. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, đa số các đợt tập huấn đều được triển khai trực tuyến.

Theo cô Huệ, năm đầu tiên thực hiện chương trình, SGK mới đối với lớp 6, kiến thức được giảm tải, có nhiều bài học liên hệ với cuộc sống, như hướng dẫn học sinh sử dụng la bàn… Nội dung này được ứng dụng vào cuộc sống, giúp học sinh có kỹ năng tìm phương hướng khi đi trong rừng… Tuy nhiên, hiện nay dạy học trực tuyến, nhiều học sinh sử dụng điện thoại màn hình nhỏ, bài học hiệu quả không cao.

Dự thảo báo cáo tình hình dạy học đầu năm của Sở GD&ĐT Hà Nội có một số ý kiến của Phòng GD&ĐT rằng, khó khăn lớn nhất của việc thực hiện chương trình, SGK mới là việc xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp bố trí giáo viên dạy đối với các môn KHTN, Lịch sử & Địa lý lớp 6. Một số đơn vị đã đề nghị Sở GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở những môn học liên môn để triển khai thuận lợi cho kế hoạch đổi mới năm tiếp theo.

Chờ đợi

Một phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nói rằng, ở bộ môn KHTN, các trường đang bố trí ít nhất 2 giáo viên dạy học nhưng cũng chỉ có 1 đầu điểm nên gặp khó khăn về phân công vào điểm trong hồ sơ đánh giá.

Ở môn Nghệ thuật (được ghép từ Âm nhạc và Mỹ thuật) xuất hiện tình huống, kết thúc học kỳ I, học sinh được đánh giá “Đạt” về Âm nhạc, nhưng “Chưa đạt” về Mỹ thuật. Phải đánh giá chung cho môn học đó như thế nào vẫn là câu hỏi mà giáo viên và nhà trường vừa làm vừa chờ hướng dẫn.

Phòng GD&ĐT sẽ có buổi làm việc với giáo viên cốt cán các trường để họ nêu hết khó khăn, từ đó có kiến nghị với Sở GD&ĐT Hà Nội. “Phòng GD&ĐT cũng đã có văn bản kiến nghị sắp tới Sở GD&ĐT tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp để gỡ khó cho giáo viên dạy chương trình mới”, ông nói.

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho hay, xác định triển khai chương trình mới sẽ có nhiều khó khăn, nhất là phía giáo viên, trường đã chủ động tự bồi dưỡng cho giáo viên trong vòng 1 năm từ khái niệm, SGK đến cách xây dựng kế hoạch môn học, ma trận đề kiểm tra đánh giá.

Ví dụ, với môn Lịch sử & Địa lý, kiến thức kiểm tra định kỳ đối với từng môn sẽ 50%-50%. Giáo viên dạy nhiều lớp cũng sẽ thống nhất chia mỗi người 4-5 lớp để vào điểm.Ngoài ra, từ 15/8, trường dành 2 tuần để hướng dẫn học sinh kỹ năng học trực tuyến để giúp các em làm quen với giáo viên nhiều môn học cũng như phương thức học khác biệt với tiểu học. Do đó, khi vào năm học mới, học sinh bắt nhịp được ngay.

Bà Lý cho rằng, với tình hình hiện nay, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT nên cho các trường chủ động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Hiện nay, mỗi địa phương đều có trường sư phạm, các Phòng GD&ĐT hoặc nhà trường có thể chủ động mời chuyên gia đến tập huấn để đạt hiệu quả cao hơn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.