Hơn 1 triệu nhà giáo được tăng lương, cao nhất gần 19 triệu đồng/tháng
Giảng viên cao cấp có mức lương từ 14,5 triệu đến 18,72 triệu đồng/tháng; giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non được xếp vào viên chức loại B có mức lương từ 4,352 triệu đến hơn 9,5 triệu đồng/tháng.
Việc lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 cũng giúp mức lương của viên chức tăng tương ứng, trong đó có lương của giảng viên và giáo viên các cấp.
Với Giáo sư - Giảng viên cao cấp được xếp vào viên chức loại A3, nhóm 1 với mức lương từ 14,5 triệu đến 18,72 triệu đồng/tháng.
Phó giáo sư - Giảng viên chính thuộc viên chức loại A2, nhóm 1 có mức lương từ gần 10,3 triệu đến gần 16 triệu đồng/tháng
Giảng viên thuộc viên chức loại A1 tương đương giáo viên trung học cơ sở hạng III và giáo viên trung học có mức lương cao nhất là 11,653 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 5,475 triệu đồng/tháng.
Ngoài mức lương này, giáo viên, giảng viên còn được hưởng thêm 2 khoản khác gồm: các loại phụ cấp, 10% tiền thưởng từ tổng quỹ lương (tùy trường hợp có thể thưởng cao hơn hoặc thấp hơn 10%.
Ngoài ra, việc lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 cũng giúp mức lương của viên chức tăng tương ứng, trong đó có lương của giáo viên các cấp.
Sự cố thi tốt nghiệp ở TPHCM: Giám đốc Sở Giáo dục báo cáo gì?
Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đã có báo cáo vụ giám thị ký nhầm bài thi của thí sinh thi tốt nghiệp 2024.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM vừa có báo cáo vụ giám thị ký nhầm bài thi của thí sinh thi tốt nghiệp 2024.
Theo đó, ngày 27/6, trong buổi thi môn Ngữ văn, tại điểm thi trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) xảy ra sự cố cán bộ coi thi ký tên nhầm vào ô chữ ký của cán bộ chấm thi trên giấy làm bài của tất cả thí sinh phòng thi 2.500. (xem chi tiết)
Thiếu chỉ tiêu vào lớp 10, nhiều trường THPT xin hạ điểm liệt từ 1 xuống 0
Sau khi công bố điểm thi tuyển đầu vào lớp 10, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã nhận được kiến nghị của một số trường THPT trên địa bàn xin hạ điểm liệt từ 1 xuống 0 với lý do không tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên UBND tỉnh Đắk Lắk không đồng ý.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, sau khi có kết quả thi lớp 10, lãnh đạo Sở đã tiếp nhận một số ý kiến xin hạ điểm liệt từ 1 xuống 0.
Theo ông Khoa, kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025 của tỉnh Đắk Lắk được vận dụng theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, trong đó, điểm liệt từ 1 điểm trở xuống.
"Việc một số trường THPT xin giảm điểm liệt từ 1 về 0 điểm là không thể giải quyết, UBND tỉnh cũng đã thống nhất không đồng ý vì sai quy chế", ông Khoa thông tin.
Theo thống kê, trong kỳ thi đầu vào lớp 10 vừa qua có rất nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không tuyển đủ chỉ tiêu.
Động thái mới của Sở Giáo dục TPHCM sau đình chỉ Trường Quốc tế Mỹ
Ngày 4/7, Sở GD&ĐT TPHCM vừa ra văn bản hướng dẫn chi tiết việc chuyển trường cho con đối với phụ huynh Trường AISVN.
Theo đó, Sở yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường AISVN phân công nhân sự, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển trường; Cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định khi cha mẹ học sinh làm thủ tục chuyển trường. (xem chi tiết)
Trường Quốc tế Mỹ tự công bố hiệu trưởng sai quy định
Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định đơn vị chưa nhận hồ sơ bổ nhiệm Hiệu trưởng từ Trường Quốc tế Mỹ nhưng trường này đã công bố thông tin tân Hiệu trưởng trên cổng thông tin.
Trước thông tin đăng tải lên cổng thông tin Trường AISVN, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Sở chưa nhận bất kỳ hồ sơ nào từ Công ty Cổ phần giáo dục Quốc tế Mỹ và Hội đồng trường AISVN về việc trường có nhà đầu tư mới hay hồ sơ bổ nhiệm hiệu trưởng mới. (xem chi tiết)
Trẻ nôn ói, cô giáo vẫn ép ăn gây bức xúc
Trong lúc đút cháo, mặc dù trẻ không kịp ăn hết và nôn ói nhưng cô giáo mầm non ở Ninh Bình vẫn ép trẻ ăn gây bức xúc.
Chiều 2/7, thông tin từ Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin sự việc cô giáo Mầm non ép trẻ ăn quá đà gây bức xúc.
Trước đó, vào ngày 26/6, tại lớp trẻ 4 tuổi, Trường Mầm non Nam Thành (TP Ninh Bình), trong lúc cho một nam học sinh ăn cháo cô giáo đã dùng thìa đút liên tục vào miệng trẻ.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phòng GD&ĐT TP Ninh Bình đã làm việc với nhà trường và giáo viên trên.
“Việc này Sở đã nắm được thông tin, đang chờ phòng GD&ĐT báo cáo cụ thể. Vì vụ việc liên quan đến giáo viên mầm non do phòng GD&ĐT và UBND TP trực tiếp quản lý”, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình thông tin.
Nữ trưởng phòng giáo dục viết tâm thư xin lỗi vì sai sót đề toán
Đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, sự việc xảy ra trong kỳ thi đánh giá năng lực học sinh vào lớp 6 tại Trường THCS Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, năm học 2024- 2025, diễn ra ngày 16/6.
Trước sự việc này, ngày 5/7, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vĩnh Yên- Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, đã viết tâm thư xin lỗi phụ huynh học sinh.
Trong thư, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Vĩnh Yên cho biết, ở câu 4 môn toán của kỳ thi này có nội dung: "Cứ 4 năm, An mới có một sinh nhật. Sinh nhật năm 2024 là sinh nhật lần thứ ba bố mẹ An tổ chức cho An tính từ ngày An sinh ra. Vậy ngày, tháng, năm sinh của An là?
4 đáp án được đưa ra gồm:
Α. 29/2/2012
Β. 29/2/2016
C. 29/2/2021
D. 28/2/2016".
Trên cơ sở nắm bắt thông tin dư luận, chỉ đạo của lãnh đạo UBND, Phòng GD&ĐT thành phố, hội đồng kiểm tra đã nghiên cứu các phương án, tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về toán của bậc học tiểu học và các bậc học cao hơn.
"Để xảy ra sơ suất dẫn đến thông báo kết quả kiểm tra đánh giá năng lực ngày 22/6 vừa qua chưa chính xác là điều hết sức đáng tiếc, không bao giờ mong muốn của Hội đồng kiểm tra.
Hội đồng kiểm tra cầu thị, chân thành xin lỗi các em học sinh, các bậc phụ huynh học sinh có con em tham dự kỳ kiểm tra đánh giá này và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ.