“Thổi điểm” cho cháu gái thành thủ khoa
Theo thông tin phóng viên Tiền Phong có được, thông báo kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD&ĐT, tỉnh Hòa Bình có 22 thí sinh có bài thi đạt điểm 10, có 70 em học sinh có tổ hợp điểm 3 môn từ 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên).
Trong số này, thí sinh Đ.N.T (cựu học sinh Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình) có điểm số vô cùng ấn tượng, môn Ngữ văn đạt 8,75 điểm; Giáo dục công dân 9,5 điểm; tiếng Anh 9,6 điểm; Lịch sử và Địa lý đều đạt điểm 10. Không chỉ đạt điểm cao ở các môn xã hội mà điểm thi môn Toán của T. cũng chót vót 9,40 điểm.
Đ.N.T trở thành thí sinh đạt điểm cao nhất ở tỉnh Hòa Bình, đồng thời là thủ khoa toàn quốc tổ hợp C00. Với điểm số trên, Đ.N.T đã trúng tuyển Học viện An ninh Nhân dân vào năm 2017.
Tuy nhiên, sau khi vào cuộc điều tra, CQĐT xác định, Đ.N.T. là thí sinh được sửa điểm duy nhất năm 2017; được nâng lên 13,3 điểm. Điểm sau khi chấm thẩm định lại của T là: Toán 5,2; Ngoại ngữ 3; riêng các môn xã hội của thí sinh này dù bị giảm điểm nhưng vẫn ở mức cao (Lịch sử 9 điểm, Địa lý 9,25, Giáo dục Công dân 8,75).
Theo kết quả điều tra vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình, nữ sinh này là cháu của bị án Nguyễn Khắc Tuấn, cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hòa Bình - người bị tuyên phạt 5 năm tù trong vụ án gian lận thi cử tại Hoà Bình. Quá trình điều tra, Nguyễn Khắc Tuấn đã khai, trực tiếp can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho cháu của mình trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Sau khi trả về điểm thực, T. thiếu 0,25 điểm so với điểm chuẩn vào học viện và đã bị Cục Đào tạo (Bộ Công an) trả về địa phương.
Bộ Công an từng loại hàng chục thí sinh gian lận điểm thi
Được biết, đầu năm 2019, khi những sai phạm liên quan đến gian lận thi cử năm 2018 được đưa ra xét xử; Cục Đào tạo (Bộ Công an) đã phát hiện trong danh sách 64 thí sinh được nâng điểm có 28 thí sinh đã trúng tuyển vào khối trường Công an nhân dân (bao gồm cả thí sinh Đ.N.T). Sau đó, Bộ Công an đã bàn giao hồ sơ 28 thí sinh gian lận điểm thi này về đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình để xử lý theo quy định.
Trao đổi với PV Tiền Phong về những tồn tại xung quanh vụ gian lận thi cử năm 2017, 2018, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT bày tỏ băn khoăn: trước đây, ở một vài địa điểm thi tốt nghiệp THPT, từng có chuyện phạm quy của một số chiến sĩ nghĩa vụ ngành công an, nhưng chỉ đến kỳ thi tốt nghiệp năm học 2017-2018, sự việc mới vỡ lở ở một số địa phương.
Vẫn theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thực trạng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021, có 55 thí sinh trượt xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường công an có điểm thi đạt từ 29,5 điểm trở lên, nhưng điểm học bạ đối với từng môn trong tổ hợp xét tuyển lại không đạt 7,0 điểm như quy định, cho thấy trái với logic thông thường.
“Với sự vênh nhau như thế chỉ có thể giải thích bằng một trong hai nguyên nhân đề thi quá dễ hoặc có thể có tiêu cực trong quá trình tổ chức thi. Nguyên liệu đầu vào chưa tốt rất khó để đào tạo ra nhân lực có chất lượng tốt. Năm nay, các trường khối Công an nhân dân đã lấy thêm tiêu chuẩn điểm học bạ ở bậc THPT là cách làm tốt để lọc bớt đi những thí sinh có năng lực học tập chưa tốt nhưng vì lý do nào đó thi lại đạt điểm rất cao”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, với các thí sinh học vấn không xuất sắc, điểm ghi trong học bạ không cao, có dấu hiệu nâng khống điểm lên rất cao mà vẫn học tập trót lọt được thì cần xem xét việc quản lý chất lượng đào tạo ở các cơ sở.