Luận anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mấy hôm nay, anh Mạnh râu (như tên đặt cho tiệm cắt tóc của chính anh tại nhà riêng ở Đông Anh, Hà Nội) được khắp nơi tôn xưng anh hùng. Anh Nguyễn Ngọc Mạnh bẽn lẽn trước các ống kính máy quay, trước cả những ánh mắt ngưỡng mộ và vô số lời ngỏ giúp đỡ khác, trông anh lóng ngóng trong chiếc sơ mi trắng. Tất cả những điều này đối lập với cú lao người không do dự qua tường rào, lên mái tôn đón cháu bé rơi từ tầng 12.

Phát biểu với báo chí, anh Mạnh nói, mình chỉ là người bình thường, tự dưng được kéo lên “chín tầng mây”. Bao nhiêu người phác họa hình siêu nhân bế cháu bé với gương mặt anh. Sở dĩ dư luận hào hứng vậy, bởi lòng tốt luôn được tôn vinh. Mạnh càng khiêm tốn, dung dị bao nhiêu, chất anh hùng càng nổi trội. Dường như ai cũng thấy bóng dáng mình qua hành động của anh Mạnh. Rõ ràng, anh ấy không cơ bắp, cao lớn và phi thường, nhưng cú vọt qua bức tường, leo lên mái tôn, đúng thời điểm, đón cháu bé khiến người đời kinh ngạc. Có lẽ sức mạnh nằm ở trực giác đã giúp người thanh niên nhỏ nhắn đón đúng điểm rơi để cháu bé an toàn. Người ta thấy điều đơn giản, nhưng ẩn chứa nhiều sự kỳ diệu.

Các nhà khoa học có thể tính toán trọng lượng cháu bé, khoảng cách rơi và tìm ra kết quả trọng lượng tỳ lên đôi tay người hứng. Tuy vậy, làm sao lý giải nổi Mạnh đã chọn điểm rơi trên mái tôn, mà không phải chỗ khác. Nhất là trong khoảnh khắc, không đủ thời gian do dự, suy đoán. Ngay cả việc về nhà, kể với bố mẹ rằng “hôm nay, con cứu 1 cháu bé”, bố của Mạnh chỉ nói 1 câu: “Thế là được”. “Năm nay 31 tuổi, mới được bố khen. Vậy là hạnh phúc nhất rồi”.

Từ nhiều năm nay, những tấm gương như anh Nguyễn Ngọc Mạnh đều được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh biểu dương, động viên và lan tỏa kịp thời thông qua trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Nhiều tấm gương xả thân vì nhiệm vụ, cứu người của các chiến sỹ quân đội, công an, thanh niên trên mọi khía cạnh lĩnh vực của cuộc sống cũng được các cấp, ban ngành ghi nhận. Lòng tốt như sợi dây  giằng néo con người xích lại với nhau để xã hội vận hành nhân văn hơn.

Ngay trong đại dịch Covid-19, xung quanh ta, đã có biết bao người hùng thầm lặng. Họ đâu có kể với ai về công việc giữa muôn trùng hiểm nguy. Lịch sử những cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, người dân là những anh hùng. Tất cả ý chí kiên cường của toàn dân đã chụm lại, tạo nên sức mạnh tổng hợp khiến kẻ thù run sợ. Và, ước gì trên mặt trận kinh tế, sức mạnh tinh thần và sự đồng lòng sẽ sớm biến Việt Nam cường thịnh. Chỉ còn cách, mỗi người phải trở thành một anh hùng, đất nước mới thoát khỏi nguy cơ bị bắt nạt.

Ở một số làng quê, nhiều người đã xin thoát nghèo. Như cụ bà trên 80 tuổi tại Thanh Hóa không chấp nhận làm hộ nghèo; nhiều hộ dân ở Đắk Nông còn tuyên bố: Thoát nghèo để còn làm giàu. Những mạch ngầm này nhen nhóm, len lỏi trong đời sống bình dị. Ở góc độ nào đó, họ cũng xứng danh người hùng.

MỚI - NÓNG