Lửa thiêu

Lửa thiêu
TP - Tuần qua, khi bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt vào đề Văn tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội, thức dậy đâu đó cảm xúc bồi hồi về ngọn lửa bếp “ấp iu nồng đượm”, cũng là lúc lửa bùng cháy nhiều nơi. Nhưng là lửa thiêu, lửa độc. Ngọn lửa cuồng loạn thiêu đốt những mạng người, để lại thương tổn nặng nề về tinh thần, thể xác cho nhiều thế hệ.

Dụ dỗ tán tỉnh em gái của vợ mới 13 tuổi bị cả nhà ngăn cản, tên chồng 23 tuổi ở Đắk Lắk bèn tưới xăng đốt cả gia đình nhà vợ. Hậu quả ngoài chính hắn bỏ mạng, thì vợ và chị vợ cũng chết đau đớn, để lại hai đứa con nhỏ đang nguy kịch. 

Vì mâu thuẫn chia chác đất đai, hai mẹ con ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) tạt xăng lên người bố rồi phóng lửa, may ông bố được cứu kịp. Ở Khánh Hòa, chồng lao vào bệnh viện nơi vợ cũ đang làm việc hắt xăng châm lửa khiến một chết, một nguy cấp. Vì ghen, người đàn ông 49 tuổi ở Bình Thuận đổ xăng đốt người tình rồi phóng lửa tự thiêu, một chết hai bị thương…

Thế giới bất ổn vốn chỉ toàn những người xa lạ, nên ngôi nhà với người thân luôn đem đến cảm giác an toàn. Và thực sự là nơi an toàn. Chủ nghĩa kinh nghiệm truyền đời của loài người cho biết vậy. Theo triết gia Đức Friedrich Hegel, mỗi thành viên trong gia đình đều có quyền hạn, nhưng đó là quyền “đạo lý”, chứ không phải quyền theo nghĩa pháp lý. Nghĩa là trong gia đình chỉ (nên) tồn tại sự hòa hợp, thương yêu. 

Mọi tranh chấp về quyền lợi pháp lý chỉ xuất hiện khi không còn cuộc sống gia đình nữa. "Với những kẻ lãng du, lý do duy nhất khiến một con đường trở thành kỳ diệu, là sẽ có những ngôi nhà để về" - câu thơ của chàng trung sĩ kiêm thi sĩ người Mỹ Joyce Kilmer (1886 -1918) - tác giả của bài thơ Cây (Trees) lừng danh, trước khi bỏ mình trong một trận đánh tại Pháp trong thế chiến I.

Gia đình là phòng tuyến, mỗi thành viên là những mắt xích bền vững nhưng cũng mong manh nhất. Bền, bởi có truyền thống đứng sau lưng, như một thói quen truyền đời. Nhưng ngày càng mong manh, vì sự biến thiên thời cuộc. Bộ gen của loài người dường như đang có vấn đề, nhất là ở những quốc gia mà con người luôn ở biên giới của xung đột nghèo-giàu, tốt - xấu, luật lệ và phi luật lệ …

Việt Nam vừa lọt vào top 10 quốc gia yên bình nhất thế giới, theo danh sách Chỉ số hòa bình toàn cầu - GPI của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP). Yên bình theo nghĩa không có xung đột với bên ngoài. Nhưng còn xung đột bên trong, giữa người với người, nhất là trong gia đình, thì đặc biệt đáng lo ngại.

Một xã hội không thể coi là bình thường, khi một cựu cầu thủ (ở An Giang) hoàn cảnh kinh tế đầy đủ, chỉ vì ghen thuông đã bóp cổ đến chết 2 con gái nhỏ rồi tự sát, để cho vợ được “tự do”! Đứa con trai (ở Thái Nguyên) dùng đá đánh mẹ đến tử vong. Rồi ở Bình Thuận, thanh niên 24 tuổi treo cổ tự vẫn vì nghi vợ ngoại tình…

Phòng tuyến gia đình mong manh trước những ngọn lửa thiêu.

MỚI - NÓNG