Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước

Một nữ cảnh sát kị binh ở Brazil năm 2015. Ảnh: Guilmann.
Một nữ cảnh sát kị binh ở Brazil năm 2015. Ảnh: Guilmann.
TPO - Cảnh sát kị binh là cảnh sát tuần tra trên lưng ngựa hoặc lạc đà, chủ yếu mang tính nghi thức, nhưng đôi lúc cũng được triển khai để kiểm soát đám đông nhờ lợi thế về chiều cao, tầm nhìn, tính cơ động.  

Cưỡi trên lưng ngựa giúp cảnh sát kị binh quan sát được khu vực rộng lớn hơn, đồng thời giúp người dân từ xa đã nhìn thấy cảnh sát. Điều này giúp răn đe tội phạm và giúp người dân dễ dàng tìm được cảnh sát khi họ cần, theo báo Mỹ The New York Times.

Cảnh sát kị binh có thể được triển khai cho các nhiệm vụ chuyên biệt như tuần tra công viên, các khu vực hoang dã (nơi xe cảnh sát khó đi hoặc gây ồn ào), kiểm soát đám đông (ngựa cao lớn đóng vai trò uy hiếp, trấn áp, hoặc cảnh sát bắt giữ người gây rối, tội phạm trong đám đông).

Ở Anh, cảnh sát kị binh được nhìn thấy nhiều nhất tại các trận đấu bóng đá. Họ cũng tuần tra trên đường phố nhiều thành phố, thị trấn vào ban ngày cũng như ban đêm. Việc tuần tra này vừa tăng cường sự hiện diện thực tế của lực lượng cảnh sát vừa răn đe các đối tượng có ý định phạm tội.

Một số đơn vị cảnh sát kị binh còn được đào tạo về nghiệp vụ tìm kiếm, cứu nạn vì ngựa có khả năng đi tới những nơi xe cơ giới không thể đi vào.

Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước ảnh 1 Cảnh sát kị binh chống bạo động ở thủ đô Jakarta của Indonesia năm 2016. Ảnh: AWG97.

Lịch sử hành thành

Maréchaussée của Pháp (tiền nhiệm trực tiếp của hiến binh và là lực lượng cảnh sát quốc gia đầu tiên theo nghĩa hiện đại) là một đơn vị gồm toàn cảnh sát kị binh hành thành vào đầu thế kỷ 18.

Từ thời điểm đó tới đầu thế kỷ 20, nhiều nước châu Âu thành lập, phát triển lực lượng cảnh sát kị binh vì đường sá khó đi và khu vực nông thôn rộng lớn.

Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước ảnh 2 Cảnh sát chống bạo động Đức tham gia xử lý biểu tình phản đối lưu trữ chất thải hạt nhân năm 2011. Ảnh: Philipp Breu.

Sự thành lập các cơ quan thực thi pháp luật có tổ chức ở khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ trong thời kỳ thuộc địa và hậu thuộc địa khiến khái niệm cảnh sát kị binh được chấp nhận gần như trên toàn thế giới, theo cuốn Mounted Police Forces: A Comparative History.

Các lực lượng cảnh sát kị binh nổi tiếng nhất đến từ Canada, Mexico, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha…

Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước ảnh 3 Một nữ cảnh sát kị binh chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ kiểm soát đám đông ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan năm 2009. Ảnh: Gary Mark Smith.

Đơn vị cảnh sát kị binh thuộc lực lượng cảnh sát Đại London (không tính thành phố London – nơi cảnh sát London có đơn vị kị binh riêng) được thành lập năm 1760, là đơn vị lâu đời nhất của cảnh sát Đại London.

Đơn vị cảnh sát kị binh thuộc lực lượng cảnh sát Đại London thường có nhiệm vụ kiểm soát đám đông, đặc biệt tại các trận đấu bóng đá. Đơn vị này cũng tiến hành tuần tra thông thường trên đường phố và hộ tống đổi gác hoàng gia vào mỗi buổi sáng.

Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước ảnh 4 Cảnh sát kị binh đi qua lâu đài Buckingham ở thủ đô London của Anh năm 2005. Ảnh: Arpingstone.

Nhiều thành phố ở Mỹ có đơn vị cảnh sát kị binh với New York có lực lượng cảnh sát kị binh lớn nhất với 55 con ngựa (tính đến năm 2016). Tuy nhiên, nhiều đơn vị bị giảm nhân lực hoặc bị giải tán trong những năm 2010, The New York Times đưa tin.

Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước ảnh 5 Cảnh sát Ai Cập cưỡi lạc đà ở Giza năm 2008. Ảnh: Aligatorek.

Các đơn vị cảnh sát kị binh ở Boston và San Diego bị giải tán năm 2011. Trước khi bị giảm quân số, thành phố New York có 130 cảnh sát kị binh và 125 con ngựa. Đến năm 2011, hai con số này giảm tương ứng còn 79 và 60.

The Houston, đơn vị cảnh sát kị binh của Sở Cảnh sát bang Texas, được thành lập năm 1983 và hiện có 1 trung úy, 4 trung sĩ và 24 cảnh sát viên. Đơn vị này trở nên nổi tiếng hơn vào giữa năm 2008, khi quyết định loại bỏ tất cả móng ngựa đóng cho toàn bộ 38 con ngựa và cho ngựa ăn cũng như chăm sóc chúng theo cách gần gũi với tự nhiên hơn, theo tạp chí Equine Wellness.

Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước ảnh 6

Cảnh sát kị binh Úc tuần tra năm 2008. Ảnh: Cgoodwin.

Trang thiết bị

Thay vì làm bằng da tự nhiên, yên ngựa dành cho cảnh sát kị binh được làm từ chất liệu tổng hợp để giảm khối lượng. Điều này rất quan trọng vì cảnh sát phải cưỡi ngựa trong tời gian dài và phải mang theo nhiều thiết bị cá nhân.

Thay vì làm bằng thép, móng ngựa đóng cho ngựa của cảnh sát kị binh được làm từ các loại kim loại đặc biệt để có lực kéo cao hoặc có đế cao su để hợp với khu vực đô thị. Nếu móng ngựa làm bằng thép thông thường, ngựa dễ trượt chân khi đi, chạy trên vỉa hè. Đế cao su cũng giúp giảm tiếng ồn hơn và giảm tác động tiêu cực tới móng ngựa.

Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước ảnh 7 Hai nữ cảnh sát kị binh Nga ở gần điện Kremlin năm 2007. Ảnh: Wikipedia.

Khi cùng cảnh sát thực hiện nhiệm vụ kiểm soát bạo loạn, ngựa được đeo giáp che mặt làm từ Perspex (nhựa acrylic, thủy tinh hữu cơ trong suốt) để con vật vẫn nhìn được bình thường.

Cảnh sát kị binh thường được trang bị gậy gỗ dài hoặc gậy làm từ polycarbonate (nhựa tổng hợp, polymer nhựa nhiệt dẻo) vì dùi cui tiêu chuẩn không đủ dài để tấn công người đứng trên mặt đất.

Lợi thế của cảnh sát kị binh ở các nước ảnh 8

Cảnh sát kị binh trông chừng đám đông biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam. Cuộc biểu tình ở thành phố San Francisco của Mỹ ngày 15/4/1967 có hàng nghìn người tham gia. Ảnh: George Garrigues.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.