Đêm thơ, ngày thơ, trình diễn thơ, hội thảo thơ, gặp ai cũng nghe nói thơ thơ… Nên một nơi không tổ chức đọc thơ, nghe thơ, bỗng trở thành sự kiện báo chí.
Lãnh đạo văn nghệ Đồng Tháp thì tỉnh rụi. Rằng, mỗi lần tổ chức tốn cả trăm triệu, chương trình công phu nhưng người ta bỏ về hết còn “loe ngoe mấy người”, dẹp đi cho đỡ tốn kém. Thế mà cũng chẳng thấy ai phiền trách gì, dư luận lại còn ủng hộ…
Trong lúc ở địa phương lân cận là Cần Thơ, đêm thơ Nguyên tiêu giống như một “đêm tạp kỹ”. Như thừa nhận của vị lãnh đạo hội này với phóng viên Tiền Phong, “nếu đêm thơ mà toàn thơ thì mấy ai nghe, chắc được dăm bài người ta bỏ về hết trơn”!
Khổ thân thơ! Nhưng nghĩ lại, thơ chỗ nào chả khổ. Nếu không, chủ nhân giải Nobel văn học 1996, nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska, đã chẳng thở dài: Thơ “sẽ chẳng là gì nếu không là võ sĩ / với đám đông đang la hét ngoài kia”.
Còn trong khán phòng của đêm thơ tác giả: “Trong phòng có mười hai người/ một nửa đến vì mưa rơi/ một nửa là thân quyến” (Đêm tác giả).
Tưởng không hè nhau tổ chức đọc thơ cùng ngày, cùng đêm, đọc bằng mọi giá, thơ sẽ biến mất. Cũng như cảnh người ta chen bẹp ruột đến đền chùa lễ hội dịp này, cứ như chậm chân thì chùa chiền thần linh sẽ “bỏ đi chơi” hết.
Thực ra quan điểm của các vị văn nghệ Đồng Tháp, là không nhất thiết phải tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu thường niên bằng mọi giá. Năm nào thuận lợi thì tổ chức bài bản, chu đáo, hấp dẫn, thực sự tôn vinh thơ. Còn làm lấy được thì thôi, khỏi.
Âu đó là sự “tiết kiệm” thơ một cách đáng quý. Chứ xưa nay, người thơ trước khi đọc làm gì phải mào đầu, những là “nhân dịp” với “hòa chung không khí…”.