Thời

Thời
TP - Anh bạn kể, qua châu Âu, bỏ mấy chục ơ-rô vào bảo tàng để rồi “ngã ngửa” khi thấy mấy cái đầu máy hỏa xa hơi nước cổ chạy trên đường sắt răng cưa độc nhất vô nhị thế giới vốn ở Đà Lạt nước mình từ hơn trăm năm trước.

Những “đống sắt cũ” ấy một thời bị vứt lăn lóc, hoen gỉ, cho đến khi Tây mua về lau chùi, trưng bày bán vé rồi đều đều “hốt bạc”.

Hệ thống đường sắt răng cưa, rồi cả cây cầu sắt cổ Dran dành cho hỏa xa cũng bị gỡ bán sắt vụn gần hết.

Không ai dám bảo các nhà khoa học nước nhà đã “hết thời”. Nhưng thời của các bác nông dân dùng đầu óc đang có vẻ “thịnh” hơn.

Sau mấy cái trực thăng do các bác Hai Lúa miền Tây chế ra được nước ngoài mua đưa vào bảo tàng, có lẽ sắp tới cái tàu ngầm của bác nọ ở quê hương Năm Tấn (nghe nói đang bị cấm hạ thủy?) cũng sẽ được vời qua xứ người.

Thời hay hết thời, trọng hay khinh đúng thật chả biết đằng nào mà lần. Phó mặc vào những góc nhìn, tầm nhìn khác nhau. Cây cầu Long Biên trăm tuổi với một số người ít thì chỉ như “đống sắt cũ” cản trở việc mở mang phát triển giao thông, kinh tế.

Việc tháo dỡ, bứng đặt qua nơi khác là chuyện bình thường. Mấy phương án liên quan đến việc bảo tồn, dỡ chuyển cầu Long Biên gửi đến Bộ chủ quản về văn hoá để xin ý kiến, liền được Bộ này chuyển ngay cho Vụ Kế hoạch tài chính “xử lý”, chứ không phải Cục Di sản để nghiên cứu phản biện! Bảo sao không có chuyện không ít di tích, thành cổ được đập bỏ, cạo sạch xây cất mới toe. Đến thánh thần còn bị dân tình “phàm tục hóa” trong vô số lễ hội nữa là.

Ba bà vợ một thời mặn nồng tay ấp đầu kề của đại gia nọ, khi hết thời (mà theo lời đại gia đó chỉ là những kẻ “phụ bạc”) liền được/bị đại gia đúc thành tượng phơi trước nhà. Như một biểu tượng “sống để nhớ lấy”. 

Đó chỉ là thứ “di sản” oái oăm phục vụ cho thú vui tầm phào của con người thời hiện đại lắm nhiễu nhương. Nhưng qua sự quan tâm của báo chí, nó lại có vẻ rất hợp thời?!

MỚI - NÓNG