Sư thầy nói dư luận hiểu nhầm, rằng đó không phải tiền người dân công đức cho chùa, mà là cả mùa lễ hội dồn về ngân hàng huyện để chuyển lên ngân hàng cấp trên. Trong chuyện này, một vị lãnh đạo ngân hàng nhà nước cũng kêu “nhọc”, bởi 1.200 bao tải tiền lẻ trên, phải huy động tới hàng tá xe ô tô mới chở hết. Đó mới tính riêng địa phương có chùa Hương, chứ tổng hợp cả khu vực đền Hùng (Phú Thọ), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)…, thì lượng tiền lẻ khổng lồ tính không xuể.
Hèn chi ngành ngân hàng tuyên bố năm nay sẽ quyết tâm không in mới tiền lẻ loại từ 2.000 đồng trở xuống. In ấn tốn kém, lại chủ yếu để “xả rác” đền chùa.
Trước tòa, những lời khai chục tỷ, triệu đô nghe cứ nhẹ tưng. Một gói quà lặng lẽ gửi lại nhà “ông anh” nào đó, đã “nặng” bằng 1.200 bao tải tiền lẻ người dân cúng dường nơi chùa chiền miếu mạo. Hình thức có khác nhau, nhưng cũng đều là tiền “cúng”. Mua sự yên ổn để tồn tại, làm ăn.
Dư luận đang nhao nhác với những thông tin tiết lộ từ chốn công đường. Tình, tiền, tù tội cứ sấp ngửa trắng đen, chẵn lẻ đan xen chả biết hư thực thế nào. Kẻ ngợi khen “nghĩa khí” của ông em, người choáng váng với sự bạo gan của “ông anh”. Rồi thở dài cho sự tan tác của những gia đình, dòng họ...
Mấy ai biết còn bao gia đình, phận đời lao công sau cả năm trời vắt sức nhọc nhằn bên cỗ máy, nhà xưởng, giờ đang từng ngày chờ nhận mấy đồng tiền lẻ gọi là “thưởng Tết” để tàu xe về quê thắp nén nhang lên tổ tiên, ông bà. Đợi họ ở quê nhà cũng là những nông dân lam lũ chân lấm tay bùn.
Tiền lẻ, tiền chẵn đang rải ồn ào công khai hay âm thầm bí mật mọi nơi, mọi lúc, nhưng chắc chắn không ai trong số họ được nhắc đến, nghĩ đến. Những người như bị đặt ở bên lề đời sống. Đông đúc mà lẻ loi đến tội nghiệp.