Loạn chiêu

Loạn chiêu
TP - Mấy tháng qua, giá dầu thế giới giảm sâu, những tưởng người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi khi các mặt hàng khác sẽ giảm theo. Tuy nhiên, hầu như nhiều thứ không nhúc nhích hoặc chỉ giảm nhỏ giọt chiếu lệ. 

Có điều gì bất thường ở đây? Bất cứ ai cũng có thể đặt câu hỏi này với các hãng vận tải hàng hóa và hành khách. Bởi vì, giá cả hàng hóa phụ thuộc lớn vào giá cước vận tải. Một khi cước vận tải không giảm, các mặt hàng khác sẽ giữ giá. Ở Việt Nam, hiện vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm hơn 70% (mới dẫn tới TNGT, phá đường…), 30% còn lại chia đều cho hàng không; đường thủy, đường biển và đường sắt.

Theo Bộ GTVT, thời gian qua, cước vận tải đường thủy và hàng hải đã giảm sâu (trước cả giá xăng dầu thế giới giảm) do khủng hoảng kinh tế; đường sắt giảm trung bình 10% (tuyến giảm cao nhất 17%); hàng không (do bị quản lý giá) nên vừa qua cũng phải hạ giá trần. Chiếm đến 70%, nhưng các xe tải chở hàng hóa, xe vận tải khách dường như không biết đến câu chuyện giá nhiên liệu thế giới giảm hơn 30%. Trong khi đó, mỗi khi xăng dầu tăng, các loại phương tiện này tăng giá cước ngay lập tức. Tăng cao rồi neo mãi ở giá đó, mặc cho dư luận lên tiếng vẫn ngó lơ.

Vậy cơ quan quản lý đi đâu để giá cước vận tải đường bộ cứ một mình một chiếu? Bộ Tài chính cử mấy đoàn đi kiểm tra, nhưng dường như các đoàn này về báo cáo chiếu lệ. Chẳng thế mà Cục Quản lý giá cách đây mấy ngày vội vàng công bố: Cước vận tải giảm thế là phù hợp. Phù hợp mà từ bà nội trợ tới những ông chủ siêu thị kêu oai oái? Họ nói, giá sản phẩm từ tay người sản xuất thì rẻ rề, nhưng đến người tiêu dùng lại cao chót vót. Hẳn nhiên, giá cước vận tải đã góp phần vào việc đội giá. Ngay Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 20/1 cũng đánh giá phát ngôn của thuộc cấp mình: Chưa đủ điều kiện để đánh giá việc giảm cước như vậy đã thỏa đáng hay chưa.

Trước đó, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phát ngôn về hiện tượng bắt tay làm giá cước vận tải như việc ở đâu. Đại diện đơn vị này nói phải có cơ sở mới vào cuộc. Nếu có đủ cơ sở thì cần gì vào cuộc nữa, phải xử lý ngay lập tức. Thấy bất ổn, Bộ GTVT đề xuất đưa cước vận tải vào diện quản lý giá, nhưng Bộ Tài chính chưa đồng ý.

Hình như quả bóng trách nhiệm đang lăn lóc và những cầu thủ cũng chưa xác định được đâu là cầu môn để đưa bóng vào.

Tết Nguyên đán đang sầm sập đến, các loại hàng hóa có cơ hội giảm, nhưng không giảm, tới đây có thể tăng cao hơn. Nhà xe vốn bản chất ưa nhồi nhét, “chặt chém” vào dịp cao điểm, tới đây tha hồ tác quái. Nếu phải tới mức Chính phủ ra tay để dẹp “loạn giá”, các bộ có trách nhiệm quản lý trực tiếp sẽ nói gì với người tiêu dùng việc thực thi trách nhiệm của họ?

MỚI - NÓNG