Theo số liệu thống kê từ 40 địa phương trên cả nước về kê khai giá cước vận tải thời gian qua, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đã giảm 10% giá vé tất cả các loại chỗ. Còn cước vận tải đường bộ bằng ô tô, theo báo cáo, giá cước vận tải hành khách bằng taxi giảm 0,92%-26,3% (phổ biến giảm 3-10%); giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm 3-21,7% (phổ biến giảm 5-10%).
Để khẳng định giá cước vận tải đã giảm hợp lý, lãnh đạo Cục Quản lý giá phân tích: Với ngành vận tải bằng ô tô, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% giá thành vận tải đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa). Với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá tại ngày 1/1/2014, nếu cố định các yếu tố chi phí khác (khấu hao, trả lương nhân công, bến bãi, phí đò phà...) thì giá cước vận tải giảm 3-10% là tương đối phù hợp.
Tuy nhiên, theo vị này, thực tế vẫn có DN chưa giảm giá gây bức xúc trong xã hội. Với những DN này, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết, sẽ xử lý vi phạm phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng không kê khai giá với cơ quan nhà nước.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại bến xe 91B (Cần Thơ), giá mỗi vé hành khách giảm so với tháng trước, từ 3,8 đến 8,6%. Hãng xe Phương Trang, từ Cần Thơ đi TPHCM giảm 3,8%, giảm 5.000 đồng để còn 125.000 đồng; đi Cà Mau cũng giảm 5.000 đồng, tương đương 4% để còn 120.000 đồng. Hãng xe Quốc Việt, Kim Yến từ Cần Thơ đi TPHCM giảm 10.000 đồng, tương đương 8,3% để còn 110.000 đồng; và đi Cà Mau giảm 8,6% còn 105.000 đồng.
Trước tình trạng giá cước vận tải không giảm, dư luận vẫn đặt câu hỏi đến bao giờ các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Tài chính “ra mặt” để trị việc giá cước vận tải “tăng nhanh, giảm chậm”. Câu hỏi các lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Thanh tra tài chính và quản lý cạnh tranh đang ở đâu, khi nào mới vào cuộc?