Tháng 9/2013, Công ty xuất khẩu máy móc có độ chính xác cao của Trung Quốc đã chào hàng hệ thống phòng không HQ-9 với giá 3,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các hệ thống tên lửa phòng không mà các đối thủ cạnh tranh (Mỹ, châu Âu) đưa ra, nên đã trúng thầu gói mua sắm hệ thống phòng không và đánh chặn tên lửa tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng dưới áp lực của đồng minh NATO, Ankara vẫn phải đàm phán với hai công ty Raytheon và Lockheed – Martin của Mỹ và công ty tên lửa phòng không châu Âu, không ngay lập tức đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong một cuộc họp vào đầu tháng 11/2015, ông Recep Tayyip Erdogan - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã hối thúc việc huỷ bỏ quyết định mua “HQ-9” của Trung Quốc. Theo như một quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, nước này đã bị NATO cảnh cáo về thương vụ đặt mua hệ thống tên lửa HQ-9, buộc phải huỷ bỏ hợp đồng và triển khai dự án tự nghiên cứu tên lửa cho mình.
Ở một khía cạnh khác, theo phân tích, nếu Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc sản xuất sẽ không thể tích hợp được với hệ thống tên lửa phòng thủ chung của NATO, điều này sẽ làm giảm hiệu quả trong hợp đồng tác chiến của nội khối.
Hơn nữa, hiện tại công tác phòng vệ lãnh thổ của nước này đều do các nước đồng minh NATO như Mỹ, Đức, Tây Ban Nha đảm nhiệm bằng hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot của Mỹ sản xuất. Đây cũng là một trở ngại không hề nhỏ đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khi xem xét mua sắm vũ khí với một bên khác ngoài NATO.
Một lý do nữa khiến Ankara huỷ bỏ hợp đồng giá rẻ 3,4 tỷ USD này là do phía Bắc Kinh từ chối chuyển giao công nghệ hệ thống tên lửa HQ-9 cho nước này, đã gây trở ngại lớn cho việc thực hiện hợp đồng song phương giữa hai nước.
Hệ thống tên lửa HQ trong một lễ duyệt binh tại Trung Quốc.
HQ-9 là tên lửa đất đối không, được đưa vào trang bị từ năm 1997 để thay thế cho các tên lửa HQ-2, vốn là biến thể do Trung Quốc sản xuất dựa trên nền tảng tên lửa SA-2 Gudeline của Liên Xô.
Là hệ thống tên lửa tầm xa, HQ-9 có tầm bắn 100 km, được thiết kế để bắn hạ các tên lửa hành trình, máy bay...và được bố trí thành cụm 4 tên lửa trên xe bệ phóng. Hệ thống tên lửa Hồng Kỳ - 9 của Trung Quốc gần giống với hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ với khả năng “bám-qua-tên lửa” (track-via-missile). Nó được trang bị hệ thống radar mạng pha HT-233 có khả năng bám nắm và đánh chặn cùng lúc nhiều mục tiêu.