Chiều qua, lại thêm 2 ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng, hơn 500 người đã phải cách ly. Chuyện xảy ra từ ngày 14/11 khi nam tiếp viên này thực hiện xong chuyến bay từ Nhật Bản về Cần Thơ và được cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý ở TP.HCM. Dù có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác là bệnh nhân 1325 nhưng mới cách ly được 4 ngày, kèm 2 lần xét nghiệm âm tính người này vẫn được “ưu ái” cho về cách ly tại phòng trọ của mình. Đáng trách hơn, trong khi cách ly tại nhà, nam tiếp viên còn rủ 2 người bạn đến chơi và tiếp xúc với mẹ đẻ của mình. Hậu quả là ngày 28/11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 thì phát hiện nhiễm COVID-19 và là bệnh nhân 1342.
Chưa dừng lại ở đó, người bạn của nam tiếp viên này là thầy giáo dạy tiếng Anh đến sống chung cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2 sau đó vài ngày, trở thành bệnh nhân 1347. Thầy giáo này đã đi đến ít nhất 12 điểm công cộng tại TPHCM và đã lây nhiễm cho 2 bệnh nhân khác trong cộng đồng là một học viên và một bệnh nhi mới 14 tháng tuổi.
Hậu quả trên có lẽ sẽ không xảy ra nếu quy định cách ly cho tiếp viên hàng không được “ưu ái” một cách bất thường so với mọi người và bệnh nhân 1342 không bị “mù” về ý thức. Theo đó, với các chuyến bay ra nước ngoài và quay đầu đón khách về Việt Nam, các tiếp viên cùng phi công phục vụ trên máy bay được cách ly tại hai cơ sở của Vietnam Airlines tại Hà Nội và TP.HCM tối thiểu trong 5 ngày. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần, tổ bay sẽ được về nhà tự cách ly thêm 14 ngày sau đó. Việc thành lập hai cơ sở lưu trú này và quy trình cách ly, xét nghiệm đã được Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 cho phép. Nhưng điều này vô hình trung đã tạo ra một “sân chơi” riêng cho các tiếp viên, phi công và gây ra bao lỗ hổng trong phòng chống dịch hiện nay.
Đây là bài học nhãn tiền trong việc quản lý cách ly ngoài cộng đồng hiện nay.
Dù Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 tạo điều kiện cho các thành viên tổ bay làm nhiệm vụ quốc tế nhưng đây cũng là lỗ hổng đáng suy ngẫm khi mà người cách ly đang đặt sự an toàn của xã hội trong sự tự giác của cá nhân mình. Rõ ràng việc kiểm soát trong khu cách ly đã bị bỏ ngỏ. Đó là chuyện trong khu cách ly tập trung. Còn khi được về cách ly tại nhà, hai người bạn vào ra tự do cũng cho thấy những cán bộ địa phương được giao “gác cổng” kiểm soát người cách ly tại nhà, vẫn thả nổi một cách khó hiểu.
Lỗ hổng ấy cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên trong cuộc họp chiều 1/12 khi yêu cầu các đơn vị liên quan phải làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình cách ly để hai bệnh nhân 1342 và 1347 không tuân thủ làm lây lan mầm bệnh cho cộng đồng.
Có thể muộn, nhưng những đề xuất của Bộ trưởng Y tế rằng không tổ chức các chuyến bay thương mại vì chưa hiệu quả về kinh tế, nhiều rủi ro trong việc lây nhiễm dịch bệnh; dừng việc tổ chức chuyến bay trọn gói và dịch vụ… là việc cần làm khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Nhưng giải pháp ấy sẽ không ngăn chặn được dịch bệnh triệt để nếu như lỗ hổng từ ý thức của những người cách ly không được “bịt” lại.