Vi phạm nghiêm trọng
Chiều 1/12, kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trong bối cảnh xuất hiện những ca nhiễm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM cấp tốc điều tra truy vết mọi đối tượng F1 và F2, không để vòng tuần hoàn dịch thứ 3 xảy ra. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo Thủ tướng, đây là vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng GTVT phải báo cáo Thủ tướng việc xử lý và Bộ Y tế giám sát vấn đề này.
Trước đó, phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, việc xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng ở TPHCM với số lượng F1, F2 lớn là nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp mạnh hơn để ngăn ngừa. “Việc này không đơn giản, tôi yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này. Cụ thể cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói.
Về vụ lây nhiễm ở TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, bệnh nhân 1342 vi phạm nghiêm trọng về cách ly tập trung và vi phạm cách ly tại nhà (đã tiếp xúc người khác). Người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý làm không đúng quy định về cách ly, khi cho về và không kêu gọi cách ly tập trung. Không thực hiện quy định quản lý, thực hiện giám sát y tế của tổ bay; chủ cơ sở lưu trú nhà trọ không thực hiện nghiêm về cách ly. UBND phường và Vietnam Airlines chưa thực hiện nghiêm túc kiểm tra, trách nhiệm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị kiểm điểm trách nhiệm với người quản lý cách ly của Vietnam Airlines, nhà trọ và bệnh nhân 1342 khi để lây nhiễm ra cộng đồng. “Khi phát hiện ra trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì cũng phải cách ly 14 ngày. Nhưng ở đây, việc thực hiện lỏng lẻo dẫn đến lây nhiễm”, ông Long nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát các cơ sở cách ly. Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Y tế chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm xảy ra các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Lãnh đạo UBND TPHCM kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 không cho phép các tiếp viên, tổ bay kết thúc sớm việc cách ly tập trung, ngay cả trong trường hợp chuyến bay không có trường hợp lây nhiễm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng đề nghị thực hiện cách ly tập trung đối với đội bay, tránh trường hợp lơ là, chủ quan dẫn đến lây lan ra cộng đồng.
Người dân cả nước đeo khẩu trang ở nơi công cộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sẽ tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu, trong đó tập trung các đối tượng người cao tuổi, sinh viên... “Chỉ những trường hợp cần thiết mới về, kể cả Tết Nguyên đán cũng hạn chế vì nhiều chuyến bay, ca nhiễm dương tính về Việt Nam rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mọi chuyến bay phải tập trung ở khu cách ly quân đội, khu cách ly tại địa phương đủ tiêu chuẩn, bãi bỏ việc cách ly do doanh nghiệp, như giao cho Vietnam Airlines vừa qua làm lỏng lẻo. Đây là biện pháp cần thiết để bệnh tật không lây lan ra cộng đồng. “Tinh thần là từ tháng 1 ngừng đưa người nước ngoài về Việt Nam, phục vụ sự kiện chính trị lớn của đất nước và đại hội Đảng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên kiểm soát những nơi có thể xảy ra ổ dịch như siêu thị, bệnh viện, bến xe, nhà máy, trường học… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc bởi hiện có tâm lý chủ quan, coi thường, cho rằng không có dịch trong khi dịch có thể xảy ra, đe dọa trực tiếp địa phương. “Cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là trong hệ thống y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc giãn cách xã hội cần thực hiện ở những nơi có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý tránh ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, một số trường hợp vừa qua thì phải có cách giãn cách xã hội, như TPHCM đang làm. “Cách ly một vài khu phố không ảnh hưởng nhiều”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ có Chỉ thị của Chính phủ về các biện pháp trong tình hình mới. Trước hết, TPHCM tập trung truy vết, xử lý F1, F2 cương quyết, kịp thời và thần tốc kiểm soát tốt tình hình cả nước để có cái Tết yên bình và tiến tới tổ chức Đại hội Đảng thành công.
Lỏng lẻo trong quản lý cách ly tại nhà
TPHCM vừa 2 ca mắc COVID-19 là bệnh nhân (BN) số 1342 và 1347. “Có khả năng cao bị lây nhiễm khi tiếp xúc trong quá trình cách ly do không tuân thủ quy định cách ly tập trung”, đại diện Sở Y tế TPHCM nhận định. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên gia phòng chống dịch COVID-19, cho rằng, quy định lỏng lẻo, không quyết liệt trong thời gian cách ly đã tạo ra ca nhiễm này, nếu thêm nhiều người mắc khác sẽ thành ổ dịch trong cộng đồng. “Việc để trường hợp có nguy cơ tiếp xúc nhiều người khác trong thời gian cách ly là sai quy định và vô trách nhiệm”, bác sĩ Khanh nhận định. Trước đó, bác sĩ Khanh lưu ý mối nguy cơ tiềm ẩn hiện nay là khu cách ly có trả phí và khu cách ly không thuộc cơ sở y tế công lập.
Sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong khu vực tự cách ly của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, cơ quan chức năng tại TPHCM đã cách ly, phong tỏa nhiều khu vực với số lượng hàng trăm người. Ngày 1/12, lực lượng công an, dân quân lập rào chắn, phong toả con hẻm 97/12 Phạm Phú Thứ, P.3, Q.6, TPHCM. Đây là khu vực BN 1347 cư ngụ trước khi được phát hiện mắc bệnh. Lực lượng chức năng đã xịt khử khuẩn tất cả các căn nhà trong khu vực. Cùng ngày, nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng quận 6 lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả cư dân trong khu vực. Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND quận 6, cho biết, con hẻm phong toả để cách ly có 52 hộ dân sinh sống với 197 nhân khẩu. Liên quan BN 1342, Sở Y tế TPHCM đã quyết định đóng cửa khu cách ly của đoàn tiếp viên Vietnam Airlines trên đường Hồng Hà, Q.Tân Bình.
Uyên Phương - Ngô Bình
Lơ là khẩu trang Phóng viên Tiền Phong ghi nhận ngày 1/12 vẫn còn tình trạng nhiều người dân ở TPHCM tỏ ra lơ là với việc đeo khẩu trang nơi công cộng, dù đã có quy định xử phạt nặng với người không thực hiện. Trước cổng nhiều bệnh viện như Từ Dũ, 115, Bình Dân…, nhiều lái xe ôm, người bán hàng rong tụ tập nhưng không đeo khẩu trang, liên tục áp sát khách để chào mời. Chị Thủy (28 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) đến khám thai ở Bệnh viện Từ Dũ nói: “Thấy họ tiến lại gần mình mà không đeo khẩu trang nên tôi rất sợ. Tôi cũng nghe nói có lệnh phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng nhưng chưa thấy đơn vị nào đến phạt cả. Do đó, mình tự chủ động đứng cách xa chứ không còn cách nào khác”. Tại công viên Tao Đàn (Q.1), khá đông người tập thể dục buổi sáng nhưng vẫn còn không ít trường hợp không đeo khẩu trang. Tại hầu hết chợ dân sinh, nhiều người bán, người mua đều quên đeo khẩu trang. Theo quan sát của phóng viên, nhiều quầy hàng ăn uống ven đường, người bán không đeo găng tay, khẩu trang khi chế biến thức ăn; phía ngoài quán không có nước rửa tay, không đo nhiệt độ khách hàng. Uyên Phương