Lo hệ thống ngân hàng lao đao vì lệnh trừng phạt, dân Nga xếp hàng rút tiền

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm qua và hôm nay, nhiều người Nga xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài các máy ATM để rút tiền vì lo ngại hệ thống ngân hàng khốn đốn vì lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngân hàng Trung ương Nga vừa tăng lãi suất cơ bản lên gấp đôi, yêu cầu các công ty bán ngoại tệ.

Nỗ lực ổn định tài chính

Phái đoàn Ukraine đã đến khu vực ở biên giới Ukraine-Belarus để đàm phán với Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa thông báo. Phái đoàn gồm có Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Mykola Tochytskyi. Tổng thống Zelensky không tham gia phái đoàn. Cuộc đàm phán bắt đầu từ 4h chiều nay (giờ Việt Nam), Xinhua đưa tin.

Ngân hàng Trung ương Nga ngày 28/2 tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%/năm để đối phó nguy cơ đồng rúp mất giá và nguy cơ lạm phát tăng cao, yêu cầu các công ty bán 80% nguồn thu ngoại tệ của họ, Reuters dẫn thông báo của ngân hàng và Bộ Tài chính Nga.

“Các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga đã thay đổi mạnh mẽ”, và việc tăng lãi suất cơ bản sẽ đảm bảo tăng lãi suất huy động đến mức cần thiết để bù đắp cho rủi ro trượt giá và lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố.

Ngân hàng Trung ương Nga đang cố gắng giải quyết hậu quả của các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây áp đặt với Nga sau khi nước này tấn công Ukraine từ hôm 24/2.

Một ngày trước khi công bố tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước, thực hiện đấu giá mua lại không giới hạn và giảm bớt các hạn chế đối với các hoạt động ngoại hối của ngân hàng.

Ngân hàng Trung ương cũng tăng phạm vi chứng khoán có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn và ra lệnh cho các công ty tham gia thị trường từ chối các lệnh chào bán chứng khoán Nga của khách hàng nước ngoài. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina sẽ tổ chức một cuộc họp báo lúc 8h tối nay (giờ Việt Nam).

Ngân hàng Trung ương Nga hôm qua tìm cách đảm bảo sự ổn định tài chính. Ngân hàng này cho biết họ sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước từ ngày 28/2. Ngân hàng Trung ương Nga thông báo, khách hàng của các ngân hàng bị trừng phạt sẽ không thể sử dụng thẻ ngân hàng của họ bên ngoài nước Nga và thẻ do các ngân hàng bị xử phạt phát hành sẽ không hoạt động trên Google Pay hoặc Apple Pay.

Các bước đi của Nga được đưa ra sau khi các đồng minh phương Tây gia tăng trừng phạt hôm 26/2, gồm loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và công bố các biện pháp khác để hạn chế việc Mátxcơva sử dụng số tiền mặt dự trữ trị giá 630 tỷ USD.

Các biện pháp trừng phạt mới có khả năng giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga và khiến các ngân hàng, công ty Nga khó tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. Hôm 28/2, giá đồng rúp giảm gần 30% xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Người Nga đã xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài các máy ATM từ hôm 27/2, lo ngại rằng các lệnh trừng phạt mới của phương Tây sẽ gây ra tình trạng thiếu tiền mặt và làm gián đoạn các khoản thanh toán. Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp châu Á của công ty ngoại hối OANDA (trụ sở Mỹ), cho biết: “Sự tháo chạy khỏi ngân hàng đã bắt đầu ở Nga vào cuối tuần qua. Lạm phát sẽ ngay lập tức tăng đột biến và hệ thống ngân hàng Nga có thể gặp khó khăn”.

Lo hệ thống ngân hàng lao đao vì lệnh trừng phạt, dân Nga xếp hàng rút tiền ảnh 1

Xếp hàng chờ sử dụng máy rút tiền ATM ở thành phố Saint Petersburg, Nga. Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích của công ty tài chính Nhật Bản Nomura nhận định, các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây đối với Nga có thể sẽ có những tác động toàn cầu rộng lớn hơn.

“Các biện pháp trừng phạt này từ phương Tây cuối cùng có khả năng làm tổn hại dòng chảy thương mại ra khỏi Nga (khoảng 80% giao dịch ngoại hối do các tổ chức tài chính của Nga xử lý bằng USD). Điều này cũng sẽ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng của các đối tác thương mại quan trọng của Nga, bao gồm châu Âu và khách hàng tiềm năng, và dẫn tới áp lực lạm phát lớn hơn và nguy cơ đình trệ”, các nhà phân tích của Nomura nhận định.

Tập đoàn năng lượng lớn BP của Anh đã mở ra một mặt trận mới trong chiến dịch của phương Tây nhằm cô lập nền kinh tế Nga, với quyết định từ bỏ cổ phần của mình trong hãng dầu khí Nga Rosneft với trị giá lên tới 25 tỷ USD. Đây là động thái tích cực nhất cho đến nay của một công ty để đáp trả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Hoạt động kinh doanh của Nga tại các tập đoàn phương Tây khác cũng đang được chú ý khi các chính phủ siết các kênh tài chính đối với Mátxcơva. Một số công ty con ở châu Âu của ngân hàng Sberbank Russia, do chính phủ Nga sở hữu phần lớn, đang làm ăn bết bát do chi phí danh tiếng của cuộc chiến ở Ukraine, Ngân hàng Trung ương châu Âu, đơn vị giám sát các bên cho vay, cho biết hôm 28/2.

Ngân hàng Trung ương Nga ra lệnh cho các công ty tham gia thị trường từ chối nỗ lực bán chứng khoán Nga của các khách hàng nước ngoài. Điều đó có thể làm phức tạp kế hoạch của các quỹ đầu tư của Na Uy và Úc có dự định giảm tiếp xúc với các công ty niêm yết của Nga.

Anh, Singapore áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Chính phủ Anh ngày 28/2 tuyên bố sẽ ngay lập tức áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cấm các tổ chức của Anh thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài chính Quốc gia Nga và Bộ Tài chính Nga, CNN đưa tin. London sẽ công bố cụ thể các biện pháp trong tuần này.

Các biện pháp - được áp dụng cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu - sẽ ngăn Ngân hàng Trung ương Nga “triển khai dự trữ ngoại hối của mình theo những cách làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt do Anh và các đồng minh áp đặt, và sẽ cắt giảm khả năng tham gia vào các giao dịch ngoại hối để hỗ trợ đồng rúp của Nga”, Chính phủ Anh tuyên bố.

Trước đó, Anh tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các đại biểu Quốc hội Nga đã bỏ phiếu ủng hộ việc công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine, cũng như đối với 5 ngân hàng và 3 tỷ phú Nga.

Chính phủ Anh tuyên bố: “Gói trừng phạt của chúng tôi, các biện pháp kinh tế mạnh nhất mà Anh từng ban hành chống lại Nga, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin và Nga”.

Lo hệ thống ngân hàng lao đao vì lệnh trừng phạt, dân Nga xếp hàng rút tiền ảnh 2

Xếp hàng để rút tiền từ một cây ATM của Ngân hàng Alfa ở Mátxcơva, Nga hôm 27/2. Ảnh: AP.

Ngày 28/2, trước Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan thông báo, nước này sẽ áp đặt “các biện pháp trừng phạt và hạn chế thích hợp” đối với Nga. Singapore có ý định “hành động phối hợp” với các nước khác để có lập trường mạnh mẽ.

“Chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có thể được sử dụng trực tiếp làm vũ khí ở Ukraine để gây tổn hại hoặc để khuất phục người Ukraine. Chúng tôi cũng sẽ chặn một số ngân hàng và giao dịch tài chính của Nga có liên quan đến Nga ”, Ngoại trưởng Balakrishnan nói.

Ông Balakrishnan cho biết các biện pháp trừng phạt có thể “đi kèm với một số chi phí”, công dân Singapore cũng phải “chuẩn bị đối phó với hậu quả” của việc đứng lên vì lợi ích quốc gia của Singapore. Ông đồng thời kêu gọi Nga ngừng các cuộc tấn công và hướng tới hòa bình.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.