Các chuyên gia cho rằng Nga khó có thể dùng bitcoin và các loại tiền điện tử khác ở quy mô lớn để tránh biện pháp trừng phạt của phương Tây. (Đồ hoạ: KMR) |
Các chuyên gia về tiền tệ cho rằng việc Nga chuyển sang sử dụng tiền số quy mô lớn để đưa tiền qua biên giới là việc không khả thi, dù có thể làm ở quy mô nhỏ.
Theo các chuyên gia, Nga có thể cố gắng đưa tiền ra bên ngoài bằng cách dùng tiền số, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng việc chuyển ồ ạt sang tiền số là việc khó thành công, sau khi những nước như Venezuela đã thử.
“Thực tế là những biện pháp trừng phạt này có thể gây tê liệt và không có đồng tiền điện tử nào giúp thay đổi điều đó”, Ari Redbord, giám đốc bộ phận pháp lý tại hãng TRM Labs nói với NBC News.
Lý do là những cá nhân và tổ chức ngoài Nga có thể gặp hậu quả nghiêm trọng nếu tiến hành các giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt, ngoài ra tiền điện tử cũng có tính minh bạch.
Theo giới chuyên gia, các giao dịch trực tuyến quảng cáo là có thể đứng ngoài những định chế truyền thống, nhưng thực chất họ cũng đã phát triển các bộ phận giám sát tuân thủ tương tự như các ngân hàng.
“Bạn thường nghe người ta nói rằng ngành công nghiệp tiền số vô pháp như miền Tây hoang dã, nhưng điều đó không đúng ở Mỹ”, ông Redbord, cựu công tố viên liên bang và quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.
Có thể truy vết
Từ khi bitcoin ra đời cách đây hơn 1 thập kỷ, các loại tiền điện tử vẫn gắn với sự bí ẩn và vô luật. Những người ủng hộ ca ngợi tiền điện tử là phương tiện không bị chính quyền kiểm soát và là đối thủ của đồng đô la Mỹ và các loại tiền chính thức khác.
Chuyển và giao dịch tiền điện tử qua các sàn trực tuyến diễn ra nhanh chóng, nhưng có hồ sơ về mỗi giao dịch được lưu trữ trong mỗi blockchain. Đây là sổ cái mà bất kỳ ai cũng có thể đọc nhưng không ai có thể làm giả và tiêu huỷ vì nó được lưu trữ trong một mạng lưới máy tính phân tán.
“Khi bạn nhìn vào tiền điện tử, đó là thị trường mà thoạt tiên giống một cách tuyệt vời để che giấu nguồn gốc và chuyển tiền đi khắp thế giới. Nhưng vấn đề là việc chuyển những đồng tiền số đó có thể bị theo dõi trong thời gian thực”, Salman Banaei, giám đốc chính sách cộng đồng tại hãng nghiên cứu tiền điện tử Chainalysis, cho biết.
“Trong mấy năm qua đã có nhiều đột phá về công nghệ để truy vết hoạt động giao dịch tiền số, cả hoạt động đơn giản lẫn những cơ chế để che giấu nguồn tiền”, ông Banaei cho biết.
Chuyên gia này cho rằng thay vì dùng tiền điện tử, Nga có thể chọn cách chuyển tiền qua các công ty và ngân hàng bình phong. Lựa chọn khác là thông qua một đồng tiền nước ngoài truyền thống khác, như nhân dân tệ.
Zachary Goldman, một đối tác của hãng luật WilmerHale, nói rằng tiền điện tử mang lại cho các chuyên gia điều tra một sự minh bạch chưa từng có, và theo một số cách họ có thể điều tra dễ dàng hơn so với tiền mặt và những vật chất có thực khác.
“Nếu bạn ăn trộm một chiếc đồng hồ nạm kim cương, sẽ chỉ có một chiếc đồng hồ kim cương cần phải tìm ra. Nhưng nếu bạn trộm 200.000 USD bằng tiền số, các chuyên gia có thể tiếp cận điều tra thông qua hàng loạt cơ chế”, ông Goldman giải thích.
Chính phủ Mỹ đã tăng cường các biện pháp chống chuyển tiền bất hợp pháp bằng tiền điện tử.
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ lần đầu tiên đưa một sàn giao dịch tiền điện tử vào danh sách những cá nhân và tổ chức bị trừng phạt. Giới chức Mỹ cho rằng sàn giao dịch Suex OTC được đăng ký ở CH Séc nhưng có quan hệ với Nga và bị cáo buộc hỗ trợ tấn công mạng để đòi tiền chuộc. Sau 2 tháng, sàn Chatex cũng bị đưa vào danh sách này.
Ông Redbord nói rằng những bước đi đó có thể là khởi đầu cho một nỗ lực thực thi pháp luật lớn hơn.
Trong một cảnh báo gửi tới các doanh nghiệp kinh doanh tiền điện tử, vào tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ ban hành hướng dẫn dài 28 trang yêu cầu ngành công nghiệp tiền điện tử tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Hướng dẫn cảnh báo rằng các doanh nghiệp sẽ bị chặn tiếp cận tiền số nếu vi phạm trừng phạt, và sẽ đối mặt với hậu quả, bao gồm cả điều tra hình sự, nếu không tuân thủ.
Trong tháng này, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo tịch thu số tiền điện tử trị giá 3,6 tỷ USD, mức lớn nhất từ trước đến nay, và bắt giữ 2 người bị cáo buộc đã đánh cắp tiền số vào năm 2016.
“Tiền số không hoàn toàn vô danh. Có nhiều cách để tìm ra những giao dịch liên quan để xác định ai sử dụng chúng”, Robert Clifton Burns, một cố vấn cấp cao của hãng luật Crowell & Moring và là một chuyên gia về luật trừng phạt, nói với NBC News.