Liên minh AUKUS đẩy Pháp nghiêng về Nhật Bản, Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm kích Rafale đậu trên tàu sân bay Charles de Gaulle trong chuyến thăm Singapore năm 2019. (Ảnh: Reuters)
Tiêm kích Rafale đậu trên tàu sân bay Charles de Gaulle trong chuyến thăm Singapore năm 2019. (Ảnh: Reuters)
TPO - Pháp đang đánh giá lại cách tiếp cận với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi bị gạt ra ngoài liên minh AUKUS của Mỹ, Anh và Úc. Một quan chức Pháp hôm qua nói tại Tokyo rằng Paris muốn tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ.

“Thứ đang gặp thách thức là quan hệ Pháp – Mỹ và quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, nhất là trong quan hệ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Philippe Errera, vụ trưởng vụ chính trị và an ninh của Bộ Ngoại giao Pháp, nói với báo chí về liên minh AUKUS.

Pháp giận dữ khi thoả thuận an ninh giữa Mỹ, Anh và Úc dẫn đến việc Canberra đơn phương huỷ hợp đồng mua các tàu ngầm Pháp hồi tháng trước. Theo thoả thuận 3 bên, Anh và Mỹ sẽ cung cấp cho Úc công nghệ tàu ngầm hạt nhân thay thế.

Ông Errera nói rằng điều này không chỉ “gây sốc” cho Pháp mà còn là quyết định “dẫn đến những thay đổi căn bản trong quan hệ đối tác với Mỹ và Úc”.

Ông Errera đang có chuyến thăm Nhật Bản cùng với bà Alice Guitton, vụ trưởng vụ quan hệ quốc tế và chiến lược tại Bộ Quốc phòng Pháp để gặp những người đồng cấp Nhật Bản nhằm thiết lập khuôn khổ cho cơ chế đối thoại 2 + 2 cấp bộ trưởng vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Pháp có vẻ không muốn lui về, khi nước này đang nỗ lực tăng cường vai trò của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đối phó với sự quyết liệt ngày càng lớn của Trung Quốc và những rủi ro an ninh khác.

Pháp cũng tích cực tăng cường quan hệ với Ấn Độ trong những năm gần đây. Năm 2019, hai bên đẩy nhanh hội tụ chiến lược bằng một hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày tại Paris, dẫn đến các cuộc tập trận chung và việc Ấn Độ đồng ý mua 2 máy bay chiến đấu của Pháp.

Cùng với Nhật và Ấn Độ, “chúng tôi lưu ý về tầm nhìn chung dựa trên thực tế là những vấn đề của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở cạnh tranh quân sự với Trung Quốc mà nên bao gồm cả những lĩnh vực khác như kinh tế và y tế”, ông Errera nói.

“Chúng tôi cũng có nhu cầu cùng nhau xây dựng cấu trúc ở khu vực để tăng cường an ninh và hợp tác”, ông cho biết thêm.

Đối với Pháp, quốc gia tích cực nhất Liên minh châu Âu (EU) trong chính sách đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, việc nhóm các nước nói tiếng Anh thành lập liên minh có thể trở thành động lực để Paris tăng cường hiện diện an ninh ở khu vực này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong một cuộc họp báo vào tháng 9 vừa qua rằng châu Âu phải khẳng định tính độc lập của mình với Mỹ trong chính sách với Trung Quốc, nếu không EU “sẽ trở nên ngây thơ hoặc mắc sai lầm nghiêm trọng, hoặc sẽ phải hứng hậu quả”.

Năm nay, Pháp triển khai hàng loạt bước đi ở châu Á. Paris điều một tàu ngầm hạt nhân đi qua Biển Đông vào tháng 2 năm nay, tổ chức diễn tập đổ bộ chung với Mỹ, Nhật và Úc trong tháng 5 trên vùng biển ngoài khơi đảo Kyushu của Nhật. Pháp cũng dẫn dắt cuộc tập trận hàng hải La Perouse với "Bộ tứ" trên Ấn Độ Dương, trong khi đưa các tiêm kích Rafale đến Polynesia và Hawaii.

Hồi tháng 7, Pháp công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, nói rằng khi Paris vẫn còn những lãnh thổ hải ngoại như quần đảo Reunion, Mayotte và New Caledonia, vì thế Paris cần đóng một vai trò lớn trong việc tạo dựng đối trọng với những tham vọng của Trung Quốc ở khu vực. Pháp nói rằng họ có 1,65 triệu dân và 7.000 binh lính tại các lãnh thổ ở khu vực này, khiến Paris có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Chiến lược của Pháp định vị Úc là một đối tác lớn, cùng với Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời cũng nhắc đến vai trò của ASEAN, sau khi Paris trở thành một đối tác phát triển của khối.

Theo NK
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.