Quyết định hiếm thấy của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đưa ra vì tính nghiêm trọng của vấn đề, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nói trong một tuyên bố.
Ngày 16/9, Úc cho biết sẽ huỷ thoả thuận trị giá 40 tỷ USD với hãng Naval Group của Pháp về việc chế tạo một đội tàu ngầm thông thường để chuyển sang chế tạo ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân bằng công nghệ của Mỹ và Anh, sau khi ba quốc gia tuyên bố thành lập quan hệ đối tác an ninh tay ba.
Một quan chức Nhà Trắng nói rằng Mỹ lấy làm tiếc về quyết định của Pháp và Washington đang liên lạc với Paris về vấn đề này. Quan chức Mỹ nói rằng Washington sẽ tiếp tục tiếp xúc để giải quyết khác biệt với Pháp.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Úc từ chối bình luận về vấn đề này.
Một nguồn tin từ Pháp nói rằng đây là lần đầu tiên Paris triệu đại sứ về nước theo cách này. Bộ Ngoại giao Pháp không đề cập đến Anh, nhưng một nguồn tin ngoại giao nói rằng Pháp coi việc Anh tham gia thoả thuận là một kiểu cơ hội.
“Chúng tôi không cần tham vấn đại sứ Anh để biết phải làm gì hay đưa ra bất kỳ kết luận nào”, nguồn tin nói.
Ngoại trưởng Pháp Le Drian nói rằng thoả thuận là không thể chấp nhận được.
“Việc từ bỏ dự án tàu ngầm… và thông báo quan hệ đối tác mới với Mỹ nhằm nghiên cứu hợp tác động cơ hạt nhân trong tương lai là hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh”, ông Le Drian nói trong tuyên bố đưa ra ngày 17/9.
“Hậu quả của việc này tác động đến mọi khái niệm của chúng tôi về đồng minh, về quan hệ đối tác và tầm quan trọng của Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với châu Âu”.
Ngày 16/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nỗ lực xoa dịu Pháp, gọi Paris là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ngày 17/9, Thủ tướng Úc Scott Morrison gạt bỏ chỉ trích của Pháp về việc Canberra không thông báo trước. Ông Morrison khẳng định đã nói về khả năng này khi gặp Tổng thống Pháp.
Ông Morrison thừa nhận việc huỷ bỏ thoả thuận này gây tổn hại cho quan hệ Úc – Pháp, nhưng khẳng định đã thông báo với ông Macron về việc sẽ xem xét lại thoả thuận.
“Khi chúng tôi có một bữa tối rất lâu ở Paris, tôi nói rất rõ về những mối quan ngại về các tàu ngầm truyền thống khi chúng tôi phải đối mặt với môi trường chiến lược mới” - Thủ tướng Úc Scott Morrison
“Tôi khẳng định rõ rằng đây là vấn đề mà Úc cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia của chúng tôi”.
Quan hệ căng thẳng giữa các quốc gia đồng minh xảy ra khi Mỹ đang cần tập hợp sự đoàn kết và tìm kiếm ủng hộ ở châu Á – Thái Bình Dương để đối phó với một Trung Quốc ngày càng mạnh và quyết liệt.
Pháp sắp tiếp nhận vị trí chủ tịch EU. Ngày 16/9, EU công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cam kết sẽ theo đuổi một thoả thuận thương mại với Đài Loan (Trung Quốc) và đưa thêm tàu đến khu vực để giữ cho các tuyến hàng hải luôn mở.
Pierre Morcos, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, gọi bước đi của Pháp lần này là “lịch sử”.
“Những lời nói bảo đảm như chúng ta đã nghe từ Ngoại trưởng Blinken là chưa đủ với Paris, nhất là sau khi giới chức Pháp biết rằng quá trình này đã được chuẩn bị trong mấy tháng”, ông Morcos nói.