Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của EU chủ trương tăng cường hiện diện của hải quân ở khu vực thông qua các chuyến thăm cảng và diễn tập tự do hàng hải nhằm “thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực mở và dựa trên luật lệ”.
Nhưng tại cuộc họp báo ở Brussels, quan chức phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrel chủ yếu nhận được câu hỏi về liên minh an ninh mới mang tên AUKUS mà Mỹ, Anh và Úc vừa công bố thành lập.
Ông Borrel cho biết ông không biết gì về công việc chuẩn bị cho liên minh đó, nhưng gạt bỏ ý kiến cho rằng liên minh này gây thêm áp lực cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa EU với Mỹ.
“Chúng tôi mới vừa biết tin đó và không được tham vấn trước. Là cao uỷ về chính sách an ninh của EU, tôi cũng không biết trước thông tin đó. Tôi cho rằng một thoả thuận như vậy không thể chỉ là sản phẩm sau một đêm. Tôi nghĩ nó đã được chuẩn bị trong một thời gian”, ông Borrel nói. Ông cho rằng AUKUS cho thấy tính “hợp thời” của chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của riêng EU.
Ông Borrel bày tỏ “lấy làm tiếc” vì EU không phải một bên trong AUKUS, nhưng nói rằng không nên “bi kịch hoá” tác động của nó đối với quan hệ Mỹ - EU, và việc Úc có vẻ vi phạm hợp đồng với Pháp cũng không nên cản trở quá trình đàm phán một thoả thuận thương mại với EU.
Chiến lược của EU được thiết kế để bảo vệ các lợi ích của khối, khi 40% thương mại của liên minh này đi qua Biển Đông, đồng thời thúc đẩy những giá trị như dân chủ và nhân quyền.
Thông cáo về chiến lược mới nói rằng “việc phô trương lực lượng và gia tăng căng thẳng ở những điểm nóng của khu vực như Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan có thể tác động trực tiếp lên an ninh và sự thịnh vượng của châu Âu”.
Chủ trương “tham gia đa diện với Trung Quốc”, EU sẽ thúc đẩy những vấn đề như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, nhưng cũng “cưỡng lại trong những bất đồng cơ bản với Trung Quốc, như nhân quyền”, thông cáo cho biết.
EU nói rằng sẽ tìm kiếm “quan hệ thương mại và đầu tư với những đối tác chưa có thoả thuận với khối, như Đài Loan (Trung Quốc)”.
“Chiến lược của chúng tôi mang tính toàn diện, cởi mở với tất cả các đối tác trong khu vực. Chúng tôi muốn hợp tác, từ Đông Phi sang Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc. Trong nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, sự hợp tác của Trung Quốc là rất quan trọng. Chiến lược của chúng tôi là để hợp tác, không phải đối đầu”, ông Borrell nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quan điểm của EU đang bị che mờ vì cả những sự kiện và chia rẽ trong khối về mức độ chủ động mà EU nên có ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Pháp muốn EU có vai trò quyết liệt hơn, trong khi Đức vẫn lưỡng lự.
“Tôi nghĩ các nước châu Âu, nhất là Đức, sẽ không đóng góp nhiều”, Nils Schmid, phát ngôn viên về đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội Đức, phát biểu tuần trước. Đảng này đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử Đức.
“Thực tế là không có một quốc gia châu Âu nào thực sự nằm bên Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngay cả Anh cũng đang tỏ ra là một quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng thực tế không phải. Tôi nghĩ đang có một sự tự ảo tưởng lớn trong chính sách của ông Boris Johnson (Thủ tướng Anh) đối với khu vực”, ông Schmid nói.