Trung Quốc xin gia nhập CPTPP sau khi Mỹ lập liên minh mới

0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các quốc gia CPTPP trong cuộc họp báo tại Santiago, Chile, năm 2019. (Ảnh: Reuters)
Đại diện các quốc gia CPTPP trong cuộc họp báo tại Santiago, Chile, năm 2019. (Ảnh: Reuters)
TPO - Trung Quốc vừa chính thức thực hiện quy trình xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với tên gọi cũ là TPP.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã gửi đơn đến người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor và bàn về quy trình tiếp theo qua điện thoại. Các tài liệu cũng đã được gửi kèm với đơn đăng ký.

New Zealand đang đóng vai trò là bên lưu chiểu cho CPTPP. Chính phủ nước này xử lý nhiều công việc hành chính cho cơ chế, bao gồm cả đơn xin gia nhập.

Trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ “xem xét tích cực” việc tham gia CPTPP.

Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu sẽ bắt đầu triển khai hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia thành viên từ ngày 1/1 năm sau. Quá trình này và việc xin gia nhập CPTPP được coi là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế trên toàn cầu.

Nhưng việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP sẽ cần sự đồng ý của tất cả 11 thành viên, trong khi Trung Quốc đang có nhiều mâu thuẫn thương mại với Úc và tranh chấp trên biển với một số nước Đông Nam Á.

Trung Quốc cũng cần cải cách trong nước để đủ tiêu chuẩn tham gia. CPTPP cấm những chính sách như bảo hộ doanh nghiệp nhà nước để bóp méo cạnh tranh. Trung Quốc hiện đang coi trọng vai trò của các công ty nhà nước, vì thế quá trình đàm phán gia nhập có thể vấp phải đá tảng ngay từ đầu.

“Khi vai trò của nhà nước trở nên nổi bật trong nền kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh dường như ngày càng xa các tiêu chuẩn cao dựa trên thị trường mà CPTPP đề ra”, cựu quyền phó đại diện thương mại Mỹ Wendy Cutler nói với Nikkei.

Bà Cutler hiện là phó chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á và từng là thành viên trong đoàn đàm phán của Mỹ về việc tham gia TPP từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Mỹ rút khỏi cơ chế này từ năm 2017, sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống.

“Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP càng cho thấy vì sao Washington cần tăng cường tham gia về kinh tế vào Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm thương mại”, bà Cutler nói.

Từ tháng này, Trung Quốc thực hiện luật an ninh dữ liệu mới để cấm chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Điều này có thể vấp phải sự phản đối của các thành viên CPTPP.

CPTPP có 3 nguyên tắc để bảo đảm minh bạch và công bằng trong cung cấp dữ liệu, trong đó có nguyên tắc cấm ép buộc các công ty phải công bố mã nguồn. Tại Trung Quốc, các công ty bị chính quyền địa phương ép công bố công nghệ trước khi được cấp phép hoạt động.

CPTPP cũng cấm phân biệt đối xử giữa các công ty trong nước và nước ngoài trong mua sắm chính phủ. Trong khi đó, Bắc Kinh đề ra hướng dẫn về việc “mua của Trung Quốc” khi mua sắm chính phủ với một số mặt hàng. Con đường trở thành thành viên CPTPP sẽ khó khăn khi Trung Quốc ưu tiên lợi ích của mình.

Thông tin Trung Quốc xin gia nhập CPTPP được đưa ra sau khi Mỹ, Anh và Úc lập một liên minh an ninh mới, mang tên AUKUS, nhằm đối phó với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh.

Các thành viên hiện tại của CPTPP gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Theo NK
MỚI - NÓNG