Mỹ tăng năng lực phòng thủ ở châu Á – Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
Tàu đổ bộ USS Miguel Keith của Mỹ Ảnh: US Navy
Tàu đổ bộ USS Miguel Keith của Mỹ Ảnh: US Navy
TP - Hải quân Mỹ vừa có động thái tăng cường năng lực phòng thủ ở châu Á – Thái Bình Dương: Đưa tàu đổ bộ mới nhất, được mệnh danh là “quái vật biển”, đến đảo Okinawa của Nhật Bản.

USS Miguel Keith, một tàu nổi được thiết kế để vận chuyển số lượng lớn phương tiện quân sự và có thể đóng vai trò là căn cứ nổi cho máy bay và thuỷ phi cơ, vừa được đưa đến căn cứ hải quân White Beach trên hòn đảo của Nhật Bản. Tàu đổ bộ này sẽ thuộc quyền quản lý của Nhóm tấn công viễn chinh và Lực lượng viễn chinh biển của Hạm đội 7, Stars and Stripes dẫn thông báo từ Hải quân Mỹ.

Con tàu thuộc lớp Puller dài 240m, có thể được chuyển đổi để hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động quân sự khác nhau trên biển. Tàu USS Miguel Keith sẽ ở lại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai gần, chỉ huy Marty Blomberg cho biết trong chuyến mở đón khách lên tàu tham quan hôm 13/10.

Mỹ lên tiếng về các hoạt động của Trung Quốc ở Campuchia

Ngày 14/10, Mỹ nói rằng Campuchia “thiếu minh bạch” về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ hải quân lớn nhất của quốc gia này, đồng thời thúc giục Chính phủ Campuchia công bố đầy đủ cho người dân biết sự tham gia về quân sự của Trung Quốc.

Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington công bố những hình ảnh vệ tinh mà họ nhận định là thể hiện hoạt động xây dựng vào tháng 8 và 9 để dựng lên 3 toà nhà mới và làm một con đường mới ở căn cứ Ream. Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia Chad Roedemeier tuyên bố, bất kỳ hiện diện quân sự của nước ngoài ở căn cứ hải quân Ream cũng đều vi phạm Hiến pháp Campuchia và làm suy yếu an ninh khu vực.

Campuchia nhiều lần phủ nhận thông tin nước này có kế hoạch để Trung Quốc đưa lực lượng đến Ream. Ông Phay Siphan, phát ngôn viên Chính phủ Campuchia, nói rằng việc Trung Quốc xây dựng ở Ream là một phần trong hỗ trợ phát triển.

Hãng General Dynamics (Mỹ) đóng USS Miguel Keith từ tháng 1/2018. Đây là con tàu lớp Puller thứ ba của Mỹ, sau khi tàu USS Hershel “Woody” Williams được đưa vào biên chế hồi tháng 5. Cảng nhà của tàu là Saipan, một đảo thuộc quần đảo Mariana của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, nhưng thực tế là con tàu này sẽ di chuyển khắp nơi, ông Blomberg cho biết.

Bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất

Ông Antony Wong Tong, một nhà quan sát quân sự ở Macao (Trung Quốc), cho rằng tàu đổ bộ Miguel Keith củng cố thêm sự hiện diện của Mỹ dọc chuỗi đảo thứ nhất, tức chuỗi các hòn đảo kéo dài từ Nhật Bản xuống đến bán đảo Mã Lai, bao gồm cả Đài Loan (Trung Quốc).

Chuỗi đảo này đóng vai trò quan trọng trong tính toán chiến lược của Mỹ đối với khu vực và hải quân Trung Quốc sẽ phải đi qua chuỗi đảo này trước khi ra Thái Bình Dương. “Tàu USS Miguel Keith đặt tại Okinawa sẽ được sử dụng như một tàu sân bay cho các lực lượng đổ bộ của Mỹ, giúp Washington ngăn chặn quân đội Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh muốn tấn công quần đảo Điếu Ngư”, ông Wong nói. Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý và gọi là Senkaku, nhưng Bắc Kinh cũng có yêu sách.

Thông tin về sự xuất hiện của USS Miguel Keith được đưa ra khi hải quân các nước Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ khởi động chương trình tập trận chung trong khuôn khổ “Bộ tứ” hôm 12/10. Cuộc tập trận dài 3 ngày trên Vịnh Bengal có sự tham gia của tàu sân bay USS Carl Vinson, 2 tàu hộ tống Nhật Bản, 1 tàu khu trục lớn của Úc và 1 tàu khu trục Ấn Độ, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản cho biết.

Ông Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan (Trung Quốc), cho rằng việc Mỹ đưa tàu USS Miguel Keith đến Nhật Bản và các cuộc tập trận chung trên biển gần đây là lời nhắc nhở Trung Quốc rằng Mỹ có thể tập hợp lực lượng mạnh hơn.

Quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ đưa tàu sân bay thứ ba vào hoạt động vào đầu năm 2030. “Nhưng Mỹ thể hiện rằng họ có thể huy động ít nhất 3 nhóm tác chiến tàu sân bay và các tàu chiến khác tham gia một cuộc tập trận, một thông điệp rõ ràng đến quân đội Trung Quốc rằng ‘tôi có thể đánh bại anh ngay lúc này’”, ông Lu nhận định.

Trước việc ngày càng nhiều tàu chiến nước ngoài thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, Trung Quốc gần đây tổ chức cuộc tập trận trên vùng biển này để rèn kỹ năng tấn công tàu và đặt thủy lôi, Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

Ông Collin Koh, chuyên gia phân tích về an ninh biển đang công tác tại Trường Quốc tế học S Rajaratnam, Singapore, cho rằng quân đội Trung Quốc đang nâng cấp đội tiêm kích và vũ khí không đối hạm. Ông Koh cho rằng USS Miguel Keith và các tàu chiến tương tự có “năng lực phòng vệ hạn chế trước những mối đe dọa nghiêm trọng”.

Ông Koh nói thêm “có một mối đe dọa mới” từ máy bay tác chiến điện tử J-16D của Trung Quốc, loại vừa được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải gần đây. Dòng máy bay này có thể gây nhiễu các hệ thống radar và phòng không của đối phương và chỉ xếp sau dòng EA-18G Growler của Mỹ, dù ông Koh nói vẫn chưa biết năng lực hoạt động thực sự của nó ra sao.

MỚI - NÓNG